♥️ Người gửi: Ngô Hồng Ngọc
♥️ Người nhận: Châu Ngọc Dung
♥️ Câu chuyện tham dự:
“Tháng năm dầu dãi nắng mưa,
Con đò trí thức cô đưa bao người.
Qua sông gửi lại nụ cười
Tình yêu xin tặng cô – người kính thương”
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, con lại thấy lòng mình trầm lại, sau một năm tất bật bộn bề giữa muôn trùng bận rộn của dòng đời, như bản nhạc rock sôi động bỗng dừng lại ở một nốt lặng tròn. Những miền ký ức xưa bỗng chốc ùa về, đưa con trở về tuổi học trò ngây thơ bên những trang sách nhỏ, và hình ảnh của cô lại ngập tràn trong tâm trí với những yêu thương dịu dàng làm ấm áp cả trái tim.
Con còn nhớ rất rõ ngày đầu tiên con gặp được cô, là buổi sáng tựu trường đầy nắng khi con vừa bước vào lớp 2. Cô chủ nhiệm lớp con - xuất hiện với tà áo dài tha thướt và gương mặt dịu hiền hệt như mấy bà tiên bước ra từ những câu chuyện cổ xưa. Ngày đó gia đình con nghèo lắm, ba đi công tác xa nhà mấy tuần mới về thăm mẹ con con một lần, ngày ngày mẹ đều chở con đi học bằng chiếc xe đạp cọc cạch len lỏi giữa những ngược xuôi đông đúc, ồn ào của phố xá Sài Gòn. Con ý thức được hoàn cảnh của mình nên cũng chăm học lắm, có lẽ cũng vì vậy mà cô chú ý đến con nhiều hơn. Cô luôn ân cần thăm hỏi, động viên, rèn cho con từng nét chữ. Thấy con có năng khiếu môn gì, cô đều hết lòng chăm lo, giúp đỡ. Con còn nhớ vì nhà nghèo quá nên không có tiền mua báo Nhi Đồng mỗi tuần để đọc, cô đã mang những tờ báo cô mua cho con đọc, còn khuyến khích con tham gia cuộc thi “Giải Lê Quý Đôn” do báo Nhi Đồng tổ chức, bài nào khó quá hay con chưa hiểu được cô đều tận tình gợi ý, hướng dẫn. Cứ thế, tuần nào cũng vậy, mỗi chiều thứ 6 là cô lại chịu khó ngồi lại với con sau buổi học để động viên con giải bài, khi thì là những câu hỏi toán học khó nhằn, khi thì lại là những đề văn hóc búa. Cô luôn có những cách thật hay để giúp con tự mình suy nghĩ ra đáp án, và những ý tưởng văn chương cứ thế tuôn trào với nhiều xúc cảm chân thành. Làm bài xong cô lại đưa con ra bưu điện gửi thư, với nụ cười hiền hậu luôn nở trên môi. Ngày con được thông báo đạt giải Ba của cuộc thi, con nhảy cẫng lên vui sướng, nằng nặc đòi mẹ chở qua nhà để báo cho cô biết, con thấy được trong đôi mắt của cô ánh lên niềm tự hào vui sướng vì cái thành tích nho nhỏ mà con đã tặng cô. Từ ngày hôm đó, con càng chăm chỉ học tập hơn nữa, và con đã không phụ lòng cô khi mà liên tục những con điểm 10, điểm 9, những thành tích cao trong các cuộc thi được con mang về làm quà tặng cho cô yêu kính.
Mùa Xuân năm đó, trời mưa phùn nhẹ, con đang phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa thì cô xuất hiện trước thềm cửa nhà con vẫn với nụ cười hiền hậu và giọng nói êm đềm, cô xin phép mẹ chở con đi ra chợ. Được mẹ gật đầu đồng ý, con ngồi sau xe, ôm chặt cô và hỏi: “Cô ơi mình đi đâu vậy ạ?”. Cô chỉ nói: “Lát con sẽ biết!”. Ra chợ, cô mua cho con mấy món ăn ngon, rồi dẫn con đến tiệm cặp sách. Cô bảo cặp con cũ quá, rách nhiều chỗ rồi, nên cô thưởng cho con 1 chiếc cặp mới, con thích cái nào cô sẽ mua tặng con cái đó. Con vừa bất ngờ vừa vui sướng, ôm chiếc cặp mới còn thơm mùi da trên tay mà trong lòng hạnh phúc vô cùng! Món quà nhỏ nhưng con nhớ mãi, chiếc cặp sách đã xuất hiện rất nhiều trong các bài văn, bài thơ sau này của con khi học lên những lớp cao. Bữa đó cô còn mua cặp cho 1 bạn nam trong lớp – một bạn rất khó chịu, quậy phá, nhưng gia cảnh rất khó khăn, rồi cô chở con đến nhà để tặng quà cho bạn. Cô của con luôn như vậy, là người lái đò tận tụy luôn dùng tình thương yêu bao la như ngọn lửa ấm áp sưởi ấm trái tim biết bao thế hệ.
Hôm nay, con đã có những thành công nhất định trong sự nghiệp của mình, nhưng mỗi lần nhìn lại quá khứ đã qua, con mãi không quên được những bài học đầu tiên, những tình cảm chân thành ấm áp mà tuổi thơ của con đã có được, nhờ cô… Con xin kính tặng cô bài thơ do con sáng tác bằng cả tấm lòng mình:
“Tuổi thơ con thật tuyệt vời
Nụ cười hạnh phúc rạng ngời yêu thương
Ơn cô dẫn lối soi đường,
Dạy con từng chữ, tỏ tường đúng sai
Dạy con bao tháng ngày dài,
Viết văn, luyện chữ, giải bài toán hay
Động viên, khuyến khích ngày ngày,
Tấm lòng chan chứa tràn đầy thương yêu,
Dạy con học biết bao điều,
Cô là người mẹ dịu hiền kính thương…”
♥️ Người gửi: Lê Hùng Phương
♥️ Người nhận: Lê Văn Khá
♥️ Câu chuyện tham dự:
“Nắng chiều hiu hắt bên rèm cửa
Gió buồn nhè nhẹ thổi qua song
Cay cay khóe mắt nhòe rơi lệ
Thoáng chốc mười năm con chẳng về.”
Chiều nay mẹ gọi điện thoại cho tôi báo tin ba bị bệnh, cả tháng nay cổ đau không ăn được gì, bình thường ba đã ốm nay sụt cân thêm chỉ còn 45kg. Tôi chỉ nói với mẹ “Dạ con biết rồi” và như bao cuộc điện thoại từ mười năm nay tôi vẫn lấy lí do “con đang làm việc có gì con gọi lại sau” để dừng cuộc nói chuyện. Không gì là tự nhiên khi tôi cư xử như vậy mọi thứ đều có lí do của nó.
Mười năm trước, khi tôi mới ra trường công việc chưa có phải làm những nghề khác không ổn định, lương không đủ để trụ lại ở cái đất Sài Gòn hoa lệ này. Tôi có nhờ ba mẹ hỗ trợ một chút để tôi tiếp tục trụ lại tìm công việc ổn định.Tôi nhớ lần đó mình đã chạy xe máy một mình xuống tận Tiền Giang để nhờ ba mẹ giúp đỡ tôi thêm một tháng để chờ công việc. Tôi nhớ ba tôi, người đàn ông mà tôi luôn yêu thương và kính trọng đã đưa tôi 200.000đ chỉ đủ sống trong một tuần và nói từ nay về sau đừng bao giờ tìm ba nữa, tôi tốt nghiệp là ba tôi sẽ không cho thêm bất cứ đồng nào. Thực sự lúc ấy một phần ba tôi không thích vợ tôi bây giờ nên đã khuyên tôi chia tay và về quê sống rồi sẽ nhờ người quen chạy vạy cho tôi một công việc ở xã. Dĩ nhiên một đứa con trai còn trẻ như tôi phải luôn tin vào bản thân và lòng tự trọng không cho phép tôi chấp nhận điều đó, tôi được dạy dỗ phải đi bằng chính đôi chân của mình sao nay người đã dạy tôi lại nói những lời như vậy, lúc đó tôi với lòng tự trọng khá lớn đã tự nhủ mình nhất định phải sống thật tốt để chứng minh cho ba thấy tôi không vô dụng như ba nghĩ, và trên hết tôi không muốn từ bỏ người con gái mình yêu chỉ vì sự ngăn cách ấy. Đã có rất nhiều cuộc cãi vã xảy ra thời gian đó, đỉnh điểm là ba tôi đã thốt lên những lời mà có lẽ không nên nói ra “Tao không muốn thấy mày một lần nào nữa, mày có giỏi thì tự mà đi kiếm ăn đừng đòi hỏi gì ở tao với mẹ mày vì tao đã nuôi mày lớn cho mày ăn học. Tao đã hết trách nhiệm,con người ta vừa học vừa làm giúp đỡ cha mẹ còn mày chỉ là thằng bất tài, tao không muốn mày về nhà tao nữa...”. Tôi sững sờ khi nghe câu nói đó, tim tôi như thắt lại và không thể nói thêm được một lời nào. Tôi lặng lẽ khoác chiếc bao lô cũ trên vai chạy lên thành phố ngay trong đêm ấy lòng tôi tự nhủ không bao giờ tôi về lại đó một lần nào nữa. Quãng đường quen thuộc hôm ấy bỗng thành xa diệu vợ, tôi thấy lòng trống rỗng, thất vọng với chính mình và đau đớn với những lời cay đắng của người thân, tôi tự nhủ mình sẽ không về đây nữa. Chữ hiếu chưa tròn tôi cất sâu vào tim, không phải tôi không thương hai đấng sinh thành nhưng lời nói của ba cứ cứa vào tim tôi đau đớn...
Thoáng cái đã mười năm tôi không về căn nhà mà tôi đã được sinh ra và lớn lên. Đôi khi mẹ tôi gọi cho tôi để hỏi chuyện nhưng tôi không chia sẻ bất cứ thứ gì về cuộc sống của tôi ở Sài Gòn. Tôi giấu luôn địa chỉ tôi đang ở, địa chỉ công ty cũng như công việc tôi đang làm. Thỉnh thoảng vợ vẫn thay tôi gửi quà về nhà cho ba mẹ, mẹ vẫn giữ mối liên hệ với vợ con của tôi nhưng giữa tôi và gia đình như có một bức tường lớn ngắn cách không thể nào buông bỏ những chấp niệm trong lòng. Giờ đây tôi đã có cho mình một công việc quản lí ở công ty, một mái ấm nhỏ cho bản thân nhưng chưa bao giờ tôi chia sẻ điều đó với ba tôi một lần nào. Với tôi, ngày đó là ngày chấm hết cuộc đời mình, có lẽ tôi đã chết đói hay nghĩ quẩn mà tự tử chẳng hạn nếu tôi không mạnh mẽ có lẽ tôi sẽ làm vậy. Tôi nghĩ mình đã lăn lộn suốt hơn mười năm với bao nhiêu cay đắng tủi hờn, tôi đã phải nỗ lực làm việc gấp đôi người khác để phấn đấu vì cuộc sống tốt hơn, để trả hết những khoản nợ vay đóng học phí thời sinh viên, chi trả cho đám cưới và nuôi con khôn lớn từng ngày. Có lẽ khi bắt đầu làm cha tôi bắt đầu nghĩ nhiều về ba mẹ, tôi biết ba tôi rất thương con nhưng từ nhỏ ông luôn nóng tính và cộc cằn thường không vừa ý sẽ dùng roi vọt để dạy dỗ nên từ bé lúc nào tôi cũng sợ hãi mỗi khi thấy dáng ba khật khưỡng trong cơn say về nhà. Những lúc tỉnh táo ba rất ít nói chỉ lầm lũi làm việc, công việc thợ xây vất vả nhiều nguy hiểm đôi lúc ba mệt mỏi và không kìm chế được bản thân mình. Chứ những lúc tôi bệnh ba thường chạy đôn chạy đáo chở tôi đi nhà thương, đợt tôi gãy chân ngày nào ba cũng cõng tôi đến trường, con đường đến lớp thường ướt sũng và nhiều sình lầy, đôi chân ba bám chặt vào đó sợ tôi té đến trường ba để tôi ngồi xuống bàn rồi mới về, nhìn dáng ba gầy ốm đôi chân lem luốc tôi đã rưng rưng xúc động biết bao...
Cả tuần nay tôi thấy khó chịu trong lòng quá, tôi đang cố kìm nén cảm xúc để tiếp tục sống như mười năm qua nhưng sao lòng tôi cứ gợn lên những lo lắng nỗi buồn man mác. Con tim tôi mách rằng tôi phải về thăm ông ấy nhưng lí trí không cho phép tôi làm điều đó. Tôi chưa từng nghĩ về điều này tôi không biết mình phải xử lí như thế nào. Tôi nghĩ giờ đây điều tôi cần làm là mua sữa và những thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh gửi cho ba mà không dám đề tên người gửi, vợ thấy tôi cứ thở ngắn than dài nên hiểu lòng tôi đang có tâm sự. Cô ấy bảo đời người vô thường anh đừng giận ba nữa, vì biết đâu trong khoảng thời dài ấy ba cũng đôi lần hối hận vì lời nói ngày xưa thì sao, ba với anh đều cố chấp như nhau không ai chịu nhún nhường chứ tình thân là sợi dây bền chặt cả kiếp này cũng chẳng thể quên nhau. Lời nói của vợ như cơn mưa tắm mát tâm hồn đang khô hạn từ lâu, nó như đánh thức những hạt mầm yêu thương nảy nở, con người ta chỉ có một đời để sống đâu ai sống mà không có lỗi lầm, thứ tha cho nhau cũng là cách để bản thân mình được thanh thản, sống mười năm nay tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn, lòng như vầng trăng khuyết cứ thấy mình chông chênh, có mái ấm xưa đã lâu lắm chưa về, lòng vẫn mãi chùng chằng không biết làm sao để nối lại sợi dây yêu thương ấy bây giờ. Ngoài kia tết đã ở rất gần tôi biết mình không níu nổi thời gian liệu ba còn chờ tôi được bao lâu nữa, nhờ Star Kombucha nối lại dùm tôi có được không?
♥️ Người gửi: Trần Thị Thuỷ
♥️ Người nhận: Tô Vi An
♥️ Câu chuyện tham dự:
Gửi bạn-người đặc biệt một thời!
Ngày ấy khi chúng ta gặp nhau, mình học lớp 10 còn bạn học lớp 8, bạn nhỏ hơn mình 2 tuổi. Ngày ấy trò chơi kỉ niệm của chúng mình là chơi banh né, bạn còn nhớ không?
Bạn và vài người trong xóm tụi mình đã cùng chơi chung trò đó. Lần gặp đầu tiên ấy, thần ái tình đã bắn mũi tên thành công vào tụi mình, một tình cảm trong sáng đã đến. Bạn xin mình nick yahoo và số điện thoại của gia đình mình để tiện liên lạc sau khi bạn về Kontum. Mình còn nhớ nick của bạn nghe rất thú vị, đó là nick yahoo tên “anhhungdoduong...”
Rồi bạn đã vẫn giữ liên lạc sau khi bạn về lại trên nhà bạn dù chỉ một thời gian. Sau đó vì chúng ta còn tuổi ăn học nên không liên lạc mấy nữa. Thời ấy chúng ta cũng không có điện thoại thông minh và máy tính để tiện kết nối như thời bây giờ...
Rồi thời gian qua đi, thỉnh thoảng Tết đến, bạn xuống thăm họ hàng nhà bạn - nơi bạn đã gặp mình, thì chúng mình có gặp lại. Có một năm, hội ngộ nhau dịp Tết, bạn đi cùng gia đình bạn và tụi mình đi cùng họ hàng nhà bạn đến thăm dì bạn xong thì cùng đi uống cà phê ở quán Sơn Thuỷ ở xóm mình.
Lúc rời quán, mình và bạn cùng nhau đi dạo bộ riêng, trời hơi se lạnh, bạn đã có một hành động “anh hùng” khi đó - bạn lấy áo khoác ngoài khoác lên cho mình, mình đoán là kỉ niệm này bạn vẫn sẽ nhớ vì mình vẫn còn nhớ mà ;)
Chúng mình có thiện cảm cho nhau từ lâu nhưng thậm chí đến bây giờ chưa từng được nắm tay nhau, bạn nhỉ? u cũng là duyên phận, phải không?
Ngày chúng mình đi học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh, bạn cũng có mấy lần liên lạc với mình, nhưng lúc ấy mình có quen một người rồi và anh ấy đang định cư ở xa bên Mỹ nên mình không tạo cơ hội cho mối quan hệ của mình và bạn.
Rồi như thể ông trời sắp đặt, lẽ ra chúng ta vẫn có cơ hội thuộc về nhau, bên nhau khi vào năm 2014, bạn đi cùng một người bạn xuống thăm gia đình dì bạn và thăm mình, năm ấy chúng ta đều đã chia tay mối tình riêng. Gặp lại nhau khi đó, một người họ hàng của bạn đã trêu bạn có ưng mình thì gọi bố mẹ mình là bố mẹ đi vì mọi người biết bạn có tình cảm với mình...Và khi gặp lại, tim mình và bạn một lần nữa chung nhịp đập. Lúc bạn về bạn lên tạm biệt mình mà mình cảm thấy không muốn xa bạn, mình thực muốn được ôm bạn khi ấy! Nhưng chúng ta vẫn chưa có những khoảnh khắc đó...
Bạn về gặp gia đình bạn và muốn nhà bạn xuống xin hỏi cưới mình nhưng có thể nói là chữ duyên rồi bạn nhỉ? Ngày ấy mẹ mình không cho mình đi lên nhà bạn và mình không chịu năn nỉ xin đi... Mình nghe đâu vì lâu chưa gặp lại mình nên gia đình bạn không thể đi từ Kontum xuống xin hỏi cưới...
Rồi khi xa nhau, bạn và mình hay liên lạc qua điện thoại, mỗi lần nói chuyện với bạn, mình thấy rất ấm áp, bạn nói mình sao thở dữ vậy vì lúc ấy mình nhớ bạn. Chỉ có bạn và người yêu xa một thời của mình đã nghe được tiếng thở ấy chăng? Phải chăng vì đó là tiếng yêu đặc biệt nên chỉ có hai người nghe được và nói mình mình mới biết hoá ra mình thở bạn nghe mạnh như thế!!!
Rồi khi mình ra lại thành phố Hồ Chí Minh, chúng mình vẫn giữ liên lạc, có lần bạn xuống thăm mình tại thành phố, hôm đó mình vẫn đi làm. Mình đã chỉ gặp bạn được vào tối hôm ấy. Bạn dẫn mình đi ăn ốc với cậu bạn của bạn. Sau đó mình nói bạn chở mình về vì hôm sau mình đi làm.
Tiếc là,Chúng ta chưa được nhìn hay nói chuyện với nhau nhiều, bạn nhỉ?
Rồi mình đã vô tình làm bạn xa mình khi mà lúc ấy mình tiễn người yêu cũ đi qua Mỹ. Họ nói mình quay lại với họ vì họ cảm động tình cảm mình dành cho họ sau thời gian chia tay mà vẫn thủy chung thì mình đã dại khờ quay lại mà không suy nghĩ kĩ về quyết định của mình.
Từ đó, bạn và mình ít liên lạc và xa nhau về khoảng cách tâm hồn dần dần...
Bạn quay trở lại với người yêu cũ của bạn một thời gian rồi cũng chia tay và mình thì cũng bị đá sau nửa năm lại yêu xa với người yêu cũ... Lúc này mình có liên lạc với bạn nhưng bạn giận mình và không liên lạc gì...
Rồi cuối năm 2015, bạn lập gia đình. Giữa năm 2016 mình cũng theo bước bạn. Mình có trêu bạn lúc mời bạn rằng xuống ôm tạm biệt cô dâu tương lai vì bạn biết đấy, thực sự chúng ta chưa từng có một cái ôm hay nắm tay...
Tết sắp đến, mình chợt nhớ vài kỉ niệm xưa cũ ấy... Chúc bạn hạnh phúc bên gia đình nhỏ của bạn - bên người vợ trẻ xinh đẹp và cậu con trai dễ thương của bạn nhé! Những kỉ niệm một thời vẫn sẽ mãi là điều đáng nhớ trong tim chúng ta và nếu có ngày gặp lại hàn huyên, kể lại một thời thì chúng ta có cái mà nói, phải không bạn nhỉ!
Một thời đã yêu mà không nói và chưa bao giờ chúng ta nói một tiếng yêu cho nhau hay nói một chữ nhớ nhau... Nhưng bạn biết không, tôi sẽ luôn nhớ về bạn-người đặc biệt của tôi, anh hùng đo đường “anhhungdoduong” một thời!
♥️ Người gửi: Trần Thị Mỹ Tuyết
♥️ Người nhận: Lê Quốc Thanh
♥️ Câu chuyện tham dự:
Khi có tuổi người ta thường hay hoài niệm và hối tiếc khi nhớ về những ngày đã cũ, tôi biết mình không thể thay đổi được quá khứ, về những day dứt khi mình đã cư xử tệ với ai đó. Và tôi vẫn luôn hối hận vì đã góp phần vào cuộc chia cắt của tình thân, tôi thực sự hối hận rất nhiều.
Tôi đã từng nghĩ mình là người đến sau, vốn dĩ bản thân mang nhiều thiệt thòi, bởi chồng tôi là người qua một đời vợ và có một đứa con trai riêng. Đó là mảnh ghép riêng quá khứ của chồng mà tôi nghĩ bản thân mình không muốn chạm vào, vì trái tim đàn bà dẫu cứng rắn đến đâu nhắc đến điều đó chắc hẳn đều đau lòng.
Chồng tôi làm tự do, rày đây mai đó, tiền làm được phần lớn đưa tôi để lo việc gia đình, lo cha mẹ già đau ốm và con trai nhỏ của chúng tôi. Cuộc sống lẽ ra cứ bình yên như thế, anh ấy chưa bao giờ nhắc gì về vợ cũ và đứa con riêng ấy cho đến một ngày giáp tết năm Kỷ Mão, khi tôi đang sên mứt dưới nhà, tôi nghe tiếng ai đó kêu khe khẽ trước cửa. Trước mặt tôi là một chàng trai trẻ chừng 16 17 tuổi mặt trông khá quen, cậu nhóc ngập ngừng chào tôi, gương mặt gầy xương xương và dáng người khá thấp bé, mang đôi dép da cũ mòn và trên vai khoác một chiếc ba lô vải con con...
Cậu nhóc hỏi về chồng tôi, một chút vỡ lẽ tôi mới biết đây chính là đứa con trai riêng thất lạc của chồng tôi. Lúc đó tôi khá ngỡ ngàng và có chút lo lắng tôi không biết cậu ấy đến đây với mục đích gì, nhưng cũng ngại không dám hỏi thẳng thừng mà bảo cậu vào nhà ngồi đợi.
Thì ra sau khi cha mẹ ly hôn được ít lâu thì mẹ cậu qua đời vì bệnh, cậu ở với ông bà ngoại lay lắt cho đến giờ. Mất liên lạc với cha và cũng vì còn quá nhỏ nên không biết phải bấu víu vào đâu, sống bên ông bà già yếu với cuộc sống khá khốn cùng. Rồi cậu lớn thêm một chút, biết nhận thức được nỗi đau của cảnh mồ côi và khao khát tình thương của cha, nên hỏi han mọi manh mối rồi quyết chí đi tìm. Khoảng cách chẳng xa nhưng vì ngày xưa cha mẹ giận nhau rất dữ, nên mọi thông tin liên lạc đều bị cắt đứt, để tìm được cũng nhờ người bạn của mẹ ngày trước cho biết quê nội và tấm ảnh có mặt cha nên tìm được đến đây.
Cả buổi chiều hôm ấy tôi ngồi lặng lẽ nghe cậu kể chuyện, nhìn kỹ mới thấy đúng là gương mặt ấy rất giống với chồng tôi, đôi mắt sáng nhưng rất buồn, hai bàn tay đan vào nhau có chút ngượng ngùng, ngồi trước mặt người mẹ kế là tôi, cậu ấy có vẻ rất căng thẳng...
Tôi bảo cậu ở lại ăn cơm, đợi đến tối chồng về thì sẽ nói cụ thể hơn, thực chất trong lòng tôi lúc đó còn căng thẳng hơn cậu nhóc rất nhiều.
Chồng tôi về, nhìn thấy cậu có vẻ nhận ra ngay, nhưng không quá vồ vập. Tôi để hai cha con ngồi tâm sự riêng, sau mời thêm bố mẹ chồng qua bàn việc. Cuối cùng mọi người quyết định để cậu ấy ở lại nhà tôi. Dự định sẽ cho cậu học nghề thợ mộc gần đó, đợi ra nghề tự lo được bản thân. Tôi không hài lòng lắm nhưng cũng không phản đối, vì dù sao đó vẫn là máu mủ của bên chồng, mình phản đối e không hay lắm, nhưng giữ cậu lại đây thì lòng tôi có chút gợn sóng, có những nỗi sợ mơ hồ vụn vặt rất đàn bà, mà tôi chỉ biết giấu vào lòng mà thôi.
Con trai tôi cũng còn nhỏ quen được cưng chiều, nên ban đầu nó khá phản ứng với người anh trai từ trên trời rớt xuống, nhưng dần dần nó không còn xa cách mà trở nên gần gũi hơn, bởi cậu nhóc kia nhìn chung khá hiền lành, nhút nhát và luôn co cụm không giao tiếp cởi mở cùng ai cả. Tôi cũng ít khi nói chuyện chỉ biết loáng thoáng cậu học hết lớp 5 thì nghỉ, vì ông bà nghèo quá không lo nổi, lang thang theo bà ngoại đi bán siro đá bào ở trường học từ lúc còn bé xíu.
Bàn tay cậu to bè vì quay máy bào đá suốt nên giờ học nghề mộc có chút cứng nhắc, được cái chăm chỉ ngày nào về cũng mang theo thúng dăm bào để tôi dùng cho bếp trấu nấu nướng, vừa học vừa làm nên được nuôi cơm một bữa chỉ ăn ở nhà bữa tối.
Một thời gian chừng 8 tháng thì cậu bắt đầu làm được việc đóng tủ ghép bàn rất giỏi, có bữa đi ngang tôi thấy cậu ngồi đục đục chạm khắc rất chăm chú. Tấm lưng gầy trong chiếc áo thun cũ mèm ướt đẫm mồ hôi, nhìn từ phía sau có chút thương cảm, vì dù gần tuổi nhau nhưng con tôi ít ra còn được đến trường, ngoài giờ học còn đi đá banh thả diều với đám trẻ, nhà không khá giả nhưng cơm nước đủ đầy và áo quần lành lặn. Còn cậu lớn lên trong cảnh mất mẹ từ bé đã là một thiệt thòi vất vơ vất vưởng ngoài đường, kiếm từng miếng ăn cực nhọc đến khi tìm được cha thì ông thừa nhận nhưng cũng dửng dưng, chỉ có ông bà nội còn có chút quan tâm. Tôi thì thái độ lúc nào cũng lạnh nhạt, không gần gũi mà có chút xa cách. Sống chung nhà nhưng hiếm khi tôi trò chuyện hỏi han. Tôi thừa nhận mình có phần ích kỷ đôi khi nghĩ bâng quơ, sợ tình cảm con trai bị vơi bớt.
Thỉnh thoảng tôi vẫn nói gần nói xa với chồng về việc sợ sau này nặng gánh, nhưng anh khẳng định với tôi, anh chỉ giúp nó có nghề ổn định, rồi cho nó ra ngoài sống, chứ mọi yêu thương anh đều dành cho con trai chung. Nghe anh nói vậy thì tôi như trút được gánh nặng tinh thần và dằn lòng đợi thêm một thời gian nữa.
Khoảng hơn năm thì cậu ấy được lên thợ chính thức và được trả công. Tôi không biết bao nhiêu, cũng chẳng bao giờ hỏi. Cậu dè dặt gửi tôi 100.000 đồng tiền ăn mỗi tháng. Thực ra khi ấy đó cũng là số tiền khá lớn, vì mỗi ngày tôi đi chợ chưa tới 10.000 đồng đã đủ bữa ăn cho cả nhà, nhưng tôi vẫn bực tức. Tôi nghĩ nuôi cậu bao lâu nay, lẽ ra nên gửi nhiều hơn mới đúng, dấm dứt trong lòng nhưng tôi lại chẳng nói ra sợ mang tiếng mẹ ghẻ hạnh họe con chồng. Sống trong nhà nhưng cậu như chiếc bóng lặng lẽ, ngoài nói chuyện với đứa em cùng cha khác mẹ thì hầu như chẳng nói gì với ai. Chồng tôi khá vô tâm, đi làm về chỉ hỏi han đứa em mà không để ý thằng anh ngồi lẻ loi trên chiếc đi-văng, đôi mắt có chút buồn và hiếm khi nở nụ cười.
Thằng nhóc ấy cũng thuộc dạng có hoa tay, lâu lâu có đem về chiếc ghế, chiếc bàn tự đóng từ mảnh gỗ thừa xin chủ, nhìn khá đẹp và chắc chắn, cho em trai ngồi học thoải mái. Nó không nói gì với tôi, nhưng cũng khá tinh tế khi đem về chiếc tủ gỗ chạm trổ họa tiết có gắn gương soi. Bảo tặng tôi treo áo dài cho gián khỏi cắn. Lúc về nhà, nhìn thấy tôi cũng khá bất ngờ với đứa chỉ mới mấy mười tuổi đã làm ra tiền, biết quan tâm đến mọi người bằng những hành động khá ấm áp, nhưng tôi vẫn không thể bỏ xuống hòn đá nặng trong tim mình, tôi biết mình cố chấp một cách vô lý.
Có một hôm, tôi thấy cậu ngồi một mình sau nhà lúc đêm tối, bóng dáng lặng lẽ nhìn khá tâm trạng. Hôm ấy trăng mười sáu sáng, dường như cậu đang thổi sáo, tiếng sáo réo rắt khi buông khi bắt như suối ngàn tuôn chảy, như nói lên tiếng lòng giấu kín. Nó làm tôi chợt nhớ đến bài thơ Đường được nghe từ ngày còn nhỏ:
"Một mình trong khóm trúc,
Gảy đàn rồi hát chơi,
Rừng sâu kẻ không biết,
Trăng sáng chiếu lên người..."
Cậu ngồi đó khá lâu đến khi tôi thấy trăng dường như hòa lẫn vào nỗi buồn tận sâu của cậu, như một bức tranh ảo ảnh tràn ngập sự não nề.
Sau này tôi mới biết hôm ấy là ngày giỗ của mẹ, cậu tự mua ít trái cây rồi cúng trong lặng lẽ, người chồng của tôi từ lâu đã không còn quan tâm đến người vợ cũ đã mất, vô tình nên cũng chẳng bao giờ đả động đến việc cúng giỗ. Tôi không biết hương hồn bà ấy có lạnh lẽo lắm không, nhưng nhìn cậu con trai của họ bây giờ, là một người mẹ lòng tôi có chút xót xa...
Vài tháng sau cậu xin phép mọi người về lại bên ông bà ngoại, cũng chẳng hẹn ngày quay trở lại. Trước khi đi còn cảm ơn tôi vì đã cưu mang suốt thời gian qua, cậu xin lỗi vì đã đem đến sự bất tiện và khó xử cho tất cả mọi người. Cảm ơn đã cho cậu được học nghề đến nơi đến chốn. Cậu biết ơn vì lúc đói khát bơ vơ đã không bị xua đuổi... Tôi nghe khá nhói lòng, dù gì cậu ấy còn khá trẻ, lẽ ra được cha dạy dỗ cận kề thì lại sống trong cảnh cô đơn, luôn thấy mình là người thừa thãi.
Nhiều năm sau, cậu chưa từng quay trở lại, biến mất như bọt biển tan vào đại dương, không để lại chút dấu vết gì. Ông bà nội đến lúc mất vẫn quay quắt nỗi ân hận với đứa cháu côi cút lạc loài, còn chồng tôi khi có tuổi đã bắt đầu hối hận day dứt vì đã đối xử tệ với núm ruột của mình. Còn tôi cứ nghĩ giá như mình rộng lòng hơn một chút, đón nhận và coi cậu như một người thân thì có lẽ cậu đã không rời đi như thế, để con trai tôi có người anh dẫn dắt và yêu thương nó sau này, nhưng tất cả chỉ còn lại giá như.
Mấy năm gần đây khi chồng tôi bắt đầu thường xuyên đau ốm bắt đầu cho người dò la tin tức về cậu, tìm về quê cũ nghe được tin cậu đã lập gia đình vui vầy bên vợ con, cũng đang làm cho xưởng nội thất nghe tin lòng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm. Tôi đã từng day dứt biết bao nhiêu giờ đây nghe tin ấy cảm thấy thật mừng ít nhất cậu đã tìm thấy hạnh phúc cho mình bù đắp lại cuộc đời trống vắng đơn côi. Tôi muốn nói với cậu lời xin lỗi tận đáy lòng, hy vọng trong tương lai cậu sẽ mở lòng đón nhận con trai tôi để nó được gọi thêm lần nữa hai tiếng “anh hai”.
♥️ Người gửi: Nguyễn Hải Yến
♥️ Người nhận: Lê Thanh Triều
♥️ Câu chuyện tham dự:
Sài Gòn, ngày 14 tháng 12 năm 2020.
Gửi cậu, Thanh Triều,
Lâu thật lâu rồi, tớ và mẹ tớ nhớ cậu. Lần gần đây nhất tớ gặp cậu là một ngày đầu hạ của hơn tám năm trước. Cậu đã không cho tớ biết rằng cậu sẽ không còn học cùng tớ nữa, ở mảnh đất thân thương này cũng không còn cái gọi là “nhà” của cậu nữa. Cậu thoắt biến mất sau làn nắng hạ tàn phai, lớp năm của tớ bắt đầu với sự lạ lẫm và thiếu vắng cậu, chàng trai thật thà dễ thương từng cùng tớ học chung dưới một mái trường bốn năm.
Vậy mà đi đến một nơi xa thật xa mà không một lời tạm biệt.
Tớ vẫn nghĩ cậu rồi sẽ quay lại, và cậu quay lại thật. Đó là mùa hạ cuối cấp một. Tớ bắt đầu học thêm. Cậu gặp mẹ tớ ở chợ gần trường, cậu hỏi mẹ tớ về tớ, mẹ tớ bảo tớ đang ở trường. Cậu vào trường tìm tớ, nhưng tớ không gặp được cậu. Đến khi mẹ đón tớ về nhà, tớ mới biết cậu đã đến. Nhưng trớ trêu làm sao khi mà tớ và cậu lại không gặp được nhau.
Tớ càng tin rằng rồi sẽ có ngày tớ với cậu được gặp nhau.
Hè lớp sáu, tớ lên trường cấp một đợi cậu. Nhưng cậu không về.
Hè lớp bảy, tớ lên trường cấp một đợi cậu, Nhưng cậu không về.
Hè lớp tám, tớ lên trường cấp một đợi cậu. Nhưng cậu không về.
Hè lớp chín, tớ lên trường cấp một đợi cậu. Nhưng cậu không về.
Hè lớp mười, tớ lên trường cấp một đợi cậu. Nhưng cậu không về.
Hè lớp mười một, tớ lên trường cấp một đợi cậu. Nhưng cậu không về.
Hè lớp mười hai, tớ không lên trường cấp một đợi cậu được. Và cậu vẫn không về.
Tớ không thể nhớ được lớp hai và lớp ba đã trải qua thế nào, cũng không nhớ được hai năm đó cậu đã ngồi ở đâu, không có chút kí ức nào lưu lại giữa tớ và cậu. Nhưng năm lớp một và lớp bốn thì khác.
Năm tớ và cậu cùng học lớp một, cậu là một cậu bé mũm mĩm với làn da hơi ngăm, và lúc nào cũng cười suốt. Cậu có hàng chân mày rậm và đen sẫm, quả tóc đầu đinh càng khiến cậu trông tròn trịa hơn. Mẹ tớ dạy lớp tụi mình. Nhớ nhất vẫn là Thanh Triều thật thà và dễ thương vô cùng trong tiết tự nhiên và xã hội. Hôm đó mẹ tớ có dặn vui là nhà bạn nào có gà con thì mang lên lớp cho các bạn xem với, hôm sau thấy cậu lấp ló trước cửa lớp với cái lồng chim con con được che bằng một mảnh vải màu xám sọc. Cậu xách vào lớp trước sự tò mò của các bạn. Và cứ giữ khư khư sự tò mò của mọi người cho đến khi vào tiết tự nhiên và xã hội. Cậu mang lồng chim lên đưa cho cô giáo (là mẹ của tớ). Trong đó là một chú gà con. Cô khẽ bế nó lên đưa trước cả lớp trước sự thích thú của mọi người và sự ngại ngùng của cậu. Cô giáo thực sự ngạc nhiên vì cậu trò nhỏ này. Tớ vẫn nhớ đến giờ múa hát sân trường, cả lớp trống tải chỉ có hai đứa – tớ đang sốt nên không ra tập được, còn cậu ở lại vì chú gà con. Nó không thấy cậu là kêu inh ỏi lên. Hình như đó là cuộc trò chuyện đầu tiên của tớ với cậu, chỉ nhớ rằng rất vui, và cậu cười suốt.
Sau tiết học vui vẻ đó là những ngày học tự nhiên và xã hội vui vẻ hơn bao giờ hết. Cậu mang cả mèo con, rau cải, củ, quả, những thứ mà sách giáo khoa của tụi mình có. Mẹ tớ có lần gặp phụ huynh và nhắn rằng không cần phải mang đồ lên học đâu, nhưng mẹ cậu cười nói là mang được thì mang lên cho tụi nhỏ cùng chơi cùng học, có sao đâu, mà nhà cũng có những thứ đó, chắc gì tất cả tụi nhỏ đều được thấy, sờ?
Nhà cậu năm đó còn trồng cả bưởi da xanh cơ. Những ngày có thu, tết, hay cả ngày nhà giáo Việt Nam, khi tan học đều thấy mẹ cậu cầm một cặp bưởi đợi mẹ tớ. Hình ảnh quen thuộc đó xuyên suốt trong bốn năm học cấp một đều đặn in vào hồi ức của tớ.
Năm tớ và cậu học chung lớp bốn, nhà cậu có thêm món mới: mơ ngâm đường. Hôm đó cậu hỏi tớ muốn ăn không, tớ nói tớ không biết món đó là gì cả, cậu chỉ cười. Ngày hôm sau cậu mang cho tớ một chai đựng đầy quả. Nhưng không may là bạn xung quanh thấy được nên “tấn công” hết sạch, còn tớ thì ngơ ngác chưa kịp thử miếng nào. Thế là hôm sau nữa, cậu lại mang theo một chai đựng đầy quả…
Cậu còn mang dâu da lên lớp và chia với tớ. Giờ nghĩ lại mới thấy ngày trước cậu thiên vị tớ hơn hẳn những bạn học khác. Mà tớ lúc đó thì chơi thân với tất cả mọi người…
Những tháng ngày đẹp đẽ đó xa thật xa rồi. Tớ và cậu cũng lâu thật lâu rồi không gặp nhau. Những tin tức về cậu mong manh không tín hiệu. Tớ không biết cậu đã đi đâu, mẹ tớ cũng không biết…
Rồi một lần ai đó nói với tớ là bố cậu mất rồi, cậu và mẹ đang sống ở Lâm Đồng. Người đó còn nói là bố cậu mất thì đỡ làm khổ hai mẹ con. Bố cậu là sâu rượu, khi không còn tỉnh táo thì đánh đập mẹ cậu, có phải không? Tớ thậm chí còn không biết những điều này có đáng tin hay không. Tớ chưa từng thấy bố cậu lên trường, có phải chăng là thật…? Tin tức phong phanh như cơn gió tình cờ lướt ngang qua, không ai chứng thực, cũng không biết ai thấy nó. Nhưng dù sao tớ vẫn mong cậu và mẹ cậu vẫn thật mạnh khoẻ, vẫn vui vẻ như ngày nào, và cậu vẫn được đi học, thành công, hiếu thảo.
Lê Thanh Triều, tớ nhớ như in họ và tên của cậu, nhớ cả khuôn mặt vui vẻ của cậu, nhớ những khoảnh khắc cậu và mẹ đứng cùng nhau, chờ mẹ tớ. Tớ nhớ cả sinh nhật cậu gồm 4 và 5. Nhớ những quả dâu da xanh xanh chua ngọt, nhớ mùi mơ ngâm thơm thơm len qua vỏ nắp…
Ước gì tớ và mẹ được gặp lại cậu và mẹ cậu nhỉ. Tớ và mẹ nhớ cậu nhiều lắm đấy, không biết cậu và mẹ cậu thì sao…
Triều nè, dù sao thì cũng phải sống thật tốt nha. Thật tốt như hồi tớ và cậu còn gặp nhau. Cậu là một người vui vẻ và vô cùng thật thà, còn hiếu thảo hơn ai hết. Tớ chỉ mong ngày gặp lại, cậu vẫn là cậu của ngày trước, không xa lạ và thật ấm áp.
Tớ chúc cậu và mẹ cậu ở nơi xa luôn vui vẻ, mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc hai mẹ con cậu vạn sự bình an!
Tớ và mẹ tớ nhớ cậu và mẹ cậu nhiều lắm…
Bạn của cậu,
Nguyễn Hải Yến.
♥️ Người gửi: Mai Nữ Huyền Trang
♥️ Người nhận: Mai Xuân Hiếu/Nguyễn Thị Vĩnh
♥️ Câu chuyện tham dự:
TẾT NGOẠI!
Năm thứ 3 không ăn Tết nhà Ngoại!
Lấy chồng được 3 năm, cũng đúng 3 năm không đón Tết với Ba Mẹ.
Ngày bé chị em tôi trông Tết lắm, vì Tết sẽ được mua cho đồ gì đó mới, được ăn nhiều bánh kẹo, được đi chơi không phải lo bài vở và nhất là được lì xì nhét heo. Thuở đó cứ sắp Tết là Ba lại chở ra chợ mua cho con heo nhựa rởm rởm, tổng gia sản ngày Tết nhét cả vào đấy. Xưa lì xì cũng chỉ độ vài ba nghìn lẻ, những đứa trẻ năm đó tỉ mẩn gấp gấp vuốt vuốt thật phẳng từng tờ tiền mừng tuổi để nhét vào cái khe bé xíu nhưng đựng đầy niềm vui... Trẻ con thường mong Tết, chúng đâu biết rằng trong đôi mắt người lớn, cứ thấy Tết là bao nỗi âu lo ùa về...
Ba Mẹ tôi không mong Tết!
.
Chị em chúng tôi lớn lên đi học trên thành phố, vẫn cứ ngồi trông Tết. Tết để về say sưa với chúng bạn, để ăn một bụng thật no những món ăn mà cả năm sinh viên nghèo không có, để vơ vét hết dưa cà mắm muối của mẹ ba tay xách nách mang quay lại chốn phồn hoa, để lại đó một góc nhà trống, một chiếc giường trơn, tấm chăn mới Ba Mẹ cất cả năm chỉ để đợi con về đắp... Con cái học càng cao càng mang theo nhiều gánh nặng, Tết không chỉ còn là nỗi lo tươm tất vẹn toàn, mà là tiền trang trải cho con theo từng bước trưởng thành...
Ba Mẹ tôi không mong Tết!
.
Khi chúng tôi dựng vợ gả chồng, đứa gần đứa xa, Ba Mẹ bảo cưới ai cũng được, miễn yêu thương nhau là được. Thế rồi mùa Xuân mới, lại chính là Ba Mẹ tôi trông tới Tết, chỉ để hỏi xem năm nay có đứa nào mang cháu về đón Tết với ông bà hay không...
Ba Mẹ tôi mong Tết!
.
Trước khi lấy chồng tôi đã nói với Ba là cách năm con lại về đón Tết với nhà mình. Ba tôi chỉ cười.
Cái Tết thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba... lời hứa về đón Tết với Ba Mẹ cứ thế bỏ ngỏ...
Đôi khi tôi vẫn thường ghen tị với những người được sống gần Ba Mẹ, không nội thì ngoại, được cả hai càng sướng, bởi 365 ngày lúc nào cũng được gặp nhau, ông bà vợ chồng con cháu quây quần quấn quýt, hạnh phúc biết bao...
Chúng tôi không được cái may mắn đó, bởi mỗi năm sẽ chỉ được chọn một nhà, và bỏ ngỏ một đầu hạnh phúc...
...
Một năm mới sắp đến, lại một cái "Tết Ngoại" từ một nơi khác, thật xa...
Tôi vẫn giữ thói quen gọi Mẹ, gọi Ba thay vì gọi ông bà Ngoại và tôi sẽ dạy những đứa trẻ của mình rằng mai sau Mẹ già đi, hãy thường xuyên gọi mẹ là Mẹ, như thanh âm đầu tiên con cất lên đẹp đẽ vô ngần. Mong cho Ba Mẹ - ông bà ngoại của tụi nhỏ - sẽ thật nhiều sức khỏe, một năm mới thật yên vui!
Nếu có đi vòng quả đất tròn
Người mong con mỏi mòn chắc không ai ngoài ba mẹ
Cái vòng tay mở ra từ tấm bé
Cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên…
Yêu thương Ba Mẹ.
"Tết Ngoại" từ một nơi xa, thật xa...
♥️ Người gửi: Ninh Thị Huyền Trang
♥️ Người nhận: Chìu Thị Như Ánh
♥️ Câu chuyện tham dự:
Chia tay bạn làm rơi bao giọt lệ
Giọt mắt buồn khẽ đọng lại trên mi
Hoa phượng đỏ hay mắt người tuổi trẻ
Khẽ đánh rơi trên ghế đá sân trường.
Khi bắt đầu năm học ai cũng muốn rời khỏi ngôi trường càng sớm càng tốt, khi kết thúc thời đi học ai cũng mong được ở lại dù chỉ một hai ngày. Tuổi học trò thật đẹp, ngoài kiến thức từ sách vở còn tình bạn. Tớ bỗng nhớ đến cậu cô bạn chung bàn của tớ.
Lúc đầu mới được phân ngồi cùng nhau, tớ nhớ lúc đó chúng mình còn ngại ngùng không nói chuyện. Ấy thế mà vào tiết Lịch sử, khi ông thầy "bộ đội" bắt làm bài kiểm tra bất thình lình, tớ vốn lười học sử, thật sự bó tay chịu chết. Đang ngồi cắn bút thì chợt thấy cậu huých huých vào tay, rồi ra hiệu bằng mắt, đại ý là "Mau chép bài của mình đi". Lúc đó tớ như bắt được vàng chép lấy chép để. Hai đứa bắt đầu cởi mở từ đó, rồi thân thiết rồi thành cặp bài trùng của lớp. Hai đứa cứ vậy đồng hành "chia ngọt sẻ bùi" cùng nhau. Ấy thế mà cũng có lúc giận dỗi. Là vì một người không đáng, để bất hoà. Giận đến không nhìn mặt, giận đến đòi cô chủ nhiệm đổi chỗ. Giờ tớ còn chả nhớ tại sao mình làm hoà được. Chỉ nhớ là trong mọi buồn vui học trò, luôn có cậu, cô bạn cùng bàn luôn xuất hiện.
Vào ngày chia tay cuối cấp cậu đã ôm tớ, nước mắt hai đứa ướt cả vạt áo dài. Cậu nói rằng: Phải thành công nhé! Đó là câu nói tớ không bao giờ quên.
Những tháng ngày học sinh thật sự trôi qua rất nhanh nhưng tình bạn này đối với tôi nó rất rất đậm sâu để có thể quên đi. Tuổi trẻ này của tôi vì có những người bạn như cô ấy mà trở thành một bức tranh đầy màu sắc.
Thời gian vội vã quá bạn nhỉ! Mới ngày nào mình chào nhau câu làm quen, những kỷ niệm mình chưa kịp lưu giữ giờ đã là chuyện của quá khứ. Đã lâu quá rồi chúng ta không gặp được nhau. Ừ thì chung 1 thành phố đấy mà sao khó khăn quá. Công việc, gia đình, những mối quan hệ, sự xa cách làm chúng ta không còn thời gian để dành cho nhau...
Tết này, có lẽ bạn sẽ bất ngờ nếu nhận được món quà kèm những lời nhắn nhủ này. Tớ chỉ mong là cô bạn cùng bàn thuở đó của tớ sẽ luôn vui luôn thành công luôn hạnh phúc. Không gặp cũng được, không trò chuyện cũng không sao, chỉ cần còn nhớ đến nhau, bất kỳ lúc nào, tớ muốn nói: tớ nhớ cậu!
Chúng ta sẽ vẫn mãi là bạn thân như ngày còn chung bàn bạn nhé!
♥️ Người gửi: Mai Nữ Huyền Trang
♥️ Người nhận: Lê Thị Hướng
♥️ Câu chuyện tham dự:
Thanh xuân dài hay ngắn, cô đơn hay hạnh phúc, vui vẻ hay đau buồn thì nó vẫn là thanh xuân của chúng ta. Điều quan trọng là những gì chúng ta có được sau khi đi qua quãng thời gian thanh xuân đẹp đẽ ấy. Và em đã có một người chị - người bạn của cuộc đời, người em trân quý!
Chị nhớ không ngày chúng ta quen nhau...
Là chị…người đã sai từ cái nhìn đầu tiên khi nghĩ đứa sinh viên của mình sắp nhận vào ở chung phòng hiền khô, tâm hướng phật. :))))
Chị ấy….người đã can đảm hướng dẫn một đứa chưa biết gì về chuyên môn, cũng không phải quá xuất sắc trong học tập.
Chị ấy, đã bao lần phải ngồi an ủi, động viên, trấn an tinh thần con bé khi nó làm sai bài thi cuối kỳ.
Cũng là chị ấy, người la làng đầu tiên khi laptop con bé hư trong lúc viết khóa luận rồi lại mang lap của chính mình cho con bé dùng, người lên laptop sửa bài cho nó tới khuya, người “tự nguyện” mua đồ ăn khi con bé đói, rồi phải lặn lội lên cơ sở chính nghe con bé báo cáo đề tài.
Lại là chị ấy, người nâng ly mừng con bé nhận tháng lương đầu tiên, và cũng là người rót cho con bé ly bia kèm lát chanh khi nó rầu rĩ vì thất nghiệp.
Và rồi chính chị ấy, người đi thử váy cưới cùng con bé và nửa đêm nửa hôm lật đật khâu lại cái móc áo sợ ngày mai em làm cô dâu không được hoàn hảo...
Nói chung không biết kiếp trước có nợ nần gì chưa trả không mà kiếp này khổ thế chị nhỉ !!!
Em là cái đứa màu mè lắm, có những lúc là màu hường sến súa, cũng có khi là đỏ rực mãnh liệt, lắm lúc đen thui thấy gớm rồi lại tươi xanh hi vọng. Nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng suốt quãng đời thanh xuân của em sẽ không được trọn vẹn nếu thiếu chị - người không cùng chung huyết thống - nhưng là người mà em trân trọng như một người chị gái - người bạn tâm giao trong cuộc đời này!
--------
Em luôn cười cho cuộc sống đẹp xinh
Dẫu ngoài kia miệng đời chua chát
Có nhiều ngày bỗng dưng thấy tẻ nhạt
Nhưng…
Nắng lên rồi, Nắng đợi ngày mưa tan
Em nhớ chị chị ơi !!! Chúng ta đã cách xa bao nhiêu năm tháng, em nhớ món cá kho chị từng làm cho em ăn, em nhớ những chiều chị em hú hí cày phim và nằm tám về chuyện trên trời dưới đất, nhớ cả lúc em ốm, chị nấu cho em tô cháo thơm lừng... nhớ lắm...
Tết rồi chị ạ. Năm nào Tết chị em vẫn không quên gửi cho nhau những tấm hình xinh xắn, giao thừa lại vui vẻ chúc nhau qua từng dòng tin nhắn. Em yêu quý và cảm ơn chị lắm. Mong rằng những yêu thương này sẽ được gửi đến chị.
Năm mới vui vẻ hạnh phúc nhé chị ơi !
♥️ Người gửi: Huỳnh Thị Thanh Trúc
♥️ Người nhận: Đỗ Ti Ti
♥️ Câu chuyện tham dự:
Ấn tượng đầu tiên của tớ là cái tên của cậu: Ti Ti, ban đầu cứ nghĩ là nickname nhưng đó lại là tên thật của cậu.
Cậu từng là thần tượng của biết bao nhiêu đứa con gái trong trường. Bọn chúng đồn cậu đẹp trai, học giỏi. Thật tình ban đầu tớ cũng tò mò, cũng từng giả vờ đi ngang lớp cậu để nhìn thử cái khuôn mặt mà bọn con gái chết mê chết mệt. Ờ thì nhìn cũng được! nhưng mà tớ học lớp chọn đứng đầu trường nên tớ chẳng tin là cậu giỏi hơn tớ. Cho đến khi cậu chuyển vào lớp tớ sau kì thi xếp lớp ở học kì 2.
Tớ thấp nên tớ được xếp ngồi phía trong cùng của bàn đầu, cậu vô sau nên cô chủ động xếp cậu ngồi phía sau lưng tớ. Cũng hơi bất ngờ tí nhưng không sao.
Nhưng không thể tin được! Ngồi gần cậu tớ phát hiện ra nhiều thứ kỳ cục của cậu. Cậu rung đùi làm cho cái Ngân ngồi kế bên khó chịu, lại còn dám vẽ lên mặt trong tà áo dài của tớ. Tớ không nghĩ 1 idol của biết bao nhiêu đứa lại xấu nết như vậy. Bao nhiêu lần nói với cậu, cậu toàn chối, cho đến khi tớ vạch cái lai của tà áo có chữ ký của cậu. Cậu cũng chả thèm xin lỗi 1 tiếng, đó là cái áo dài mới nhất của tớ. Tớ bắt đầu bực bội và ghét cậu từ đấy.
Sau vụ đó, cậu bắt đầu châm chọc tớ bằng mọi cách, lúc thì giấu dép (trường quy định bỏ dép ở ngoài), lúc thì giấu bút, lúc thì giấu vở. Tớ từng ăn con 2 Sinh học do cậu giấu cuốn vở của tớ. Tớ ghét cậu kinh khủng. Bao nhiêu lần tớ nói với cô nhưng cô chỉ la cậu đôi tiếng rồi thôi. Bất lực, đôi lúc tớ còn muốn chuyển lớp cho xong, nhưng nghĩ lại khó khăn lắm mình mới thi được vào lớp này, ai lại muốn chuyển xuống lớp kém hơn nên lại thôi. Nhưng tớ cay cú mãi.
Hồi hộp nhất trong cả 3 năm cấp 3 là xem danh sách lớp mới, tớ lùn nên chẳng lúc nào xem được sớm cả. Toàn đợi người ta về gần hết rồi mới lủi thủi xem. Nhớ năm lớp 10 lên 11, đang nhón nhón, rướn rướn xem danh sách lớp thì cậu vỗ vai: “khỏi coi, 11B1, lại chung lớp”. Ối zời! Sét đánh ngang tai.
Đôi lúc tớ vẫn không tin được sức chịu đựng của mình, 3 năm không thoát cậu năm nào. Mãi cho đến lễ trưởng thành, trước lớp, cậu phát biểu rằng đã ấn tượng với tớ. Lùn lùn mà dễ thương. Tớ ngại hết sức. Lúc ra về cậu nói với tớ: “chọn trường khác nhau nên từ nay hết ám nhau nữa nhé! Mà nè, nãy là tớ nói thiệt, chẳng yêu thương gì nhưng tớ thích chọc cậu để nhìn cậu cáu. Haha”. Một câu nói mà đập tan những bực tức trong quá khứ của tớ.
Lên đại học, cùng ở Sài Gòn nhưng mỗi đứa một trường. Năm 2 đại học, lúc đó Facebook mới phổ biến, mình mới lập Facebook được 2 tuần thì chẳng biết bằng cách nào cậu add friend tớ. Thiệt là bất ngờ. Tụi mình nối liên lạc lại từ đó. Ban đầu chỉ là hỏi thăm, sau rồi nói chuyện, rồi tâm sự. Chẳng biết mình thân từ lúc nào.
Mỗi lần đứa kia có chuyện gì đều hẹn gặp nhau, kể cho nhau mọi thứ trong cuộc sống, dần rồi 2 đứa đi guốc trong bụng nhau. Suốt 4 năm đại học và 3 năm ở Sài Gòn, chẳng yêu nhau nhưng tụi mình lần mò từng góc phố, con hẻm, các quán cóc cho đến các quán bar nổi tiếng.
Năm 2017, tớ quyết định về gần nhà để làm việc, cậu ở lại Sài Gòn. Ban đầu còn siêng liên lạc, nhưng mỗi đứa một nơi, cũng lớn rồi, ai cũng phải tìm cho mình tình yêu riêng nên tụi mình dần ít liên lạc lại.
2019 tớ lấy chồng. Tớ lấy được người tớ thương và thương tớ. Cứ nghĩ là dịp đó sẽ gặp lại cậu nhưng cậu không về được vì đang công tác ở nước ngoài. Tớ gọi cho cậu mời cưới mà tớ thấy cậu rơi nước mắt, cậu là con trai mà khóc, cậu nói: ”tớ mừng cho cậu, những năm ở Sài Gòn cậu bị giày vò bởi tình yêu từ 1 phía, nay cậu dám buông bỏ và có được hạnh phúc mới, tớ vui lắm”.
Đầu năm 2020 cậu lấy vợ. Mừng cho cậu, cậu cũng giống tớ, lấy được người cậu thương và thương cậu. Cậu cũng gọi điện mời cưới nhưng vì dịch nên đám cưới của cậu bị hoãn. Tháng 8 cậu gọi mời lại thì tớ lại vừa sinh em bé. Lại một lần nữa mình lỡ hẹn với nhau.
Thấm thoắt đã mấy năm chưa gặp, bây giờ 2 đứa đã có gia đình riêng, chẳng biết bao giờ mới có thể rong rẻo và tâm sự với nhau nữa. Tớ mong chúng ta sẽ hạnh phúc và sớm có dịp để gặp nhau, để kể lễ cho nhau nghe về cuộc sống hiện tại.
Những lời này không biết có đến tay cậu không, tớ hi vọng cậu vui nếu cậu nhận được những lời này. Ở xa, tớ nhớ cậu. Tớ chúc cậu và gia đình sức khỏe. Hẹn ngày hội ngộ.
♥️ Người gửi: Nguyễn Trần Thanh Trúc
♥️ Người nhận: Lương Xuân
♥️ Câu chuyện tham dự:
NGƯỜI ÔNG KHÔNG CÙNG DÒNG MÁU
Tôi ra trường đã được gần 2 năm.
Nhớ lại quãng đường phải “lăn lê bò trườn” mòn gót giày để đi xin việc mà người tôi giờ này vẫn còn rùng mình thon thót vì..quá chán nản. Bạn biết đấy, khoảng thời gian bắt đầu nỗ lực tìm chỗ đứng cho mình chưa bao giờ là dễ dàng cả. Những tháng ngày xin việc gần nửa năm trời trong vô vọng, sau đó là cú sốc mất đi người ba đáng kính một cách đột ngột, rồi đến căn bệnh sỏi thận hành hạ đau đớn,…làm tôi hoàn toàn gục ngã. Khi tôi cần lắm một chỗ dựa tinh thần, thì cay đắng nhận ra chẳng biết tâm sự cùng ai cả. Mọi người bảo không muốn tiếp xúc với nguồn năng lượng tiêu cực. Họ nói với tôi rằng họ chẳng thể giúp tôi, và câu chuyện của tôi chẳng có ích gì cho họ, ngoài việc làm họ mệt mỏi.
Vậy là tôi quay cuồng trong tuyệt vọng. Lúc ấy tôi stress nặng cực kì khi cảm thấy cả thế giới đang ruồng bỏ mình. Tôi đã nghĩ bản thân có lẽ sẽ chìm sâu trong vũng bùn không lối thoát ấy mãi, cho đến khi nhận được cuộc gọi từ ông Xuân.
Ông Xuân là người bảo trợ cho tôi trong quỹ học bổng MYT (Mãi yêu thương) từ những năm 2015 lúc tôi đang là sinh viên năm hai. Ông không giàu có về vật chất khi số tiền học bổng là được ông lấy từ tiền lãi gửi tiết kiệm, mỗi học kì chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng/sinh viên; nhưng ông lại giàu có về tinh thần khi mang trong mình một trái tim lớn rộng.
Nhờ sự hỗ trợ của ông mà tôi đỡ bớt gánh nặng học phí. Gia đình tôi lúc ấy, ba mẹ đều đau ốm, nên nếu không có ông, chắc tôi đã chẳng có được tấm bằng đại học loại ưu như hiện tại. Trong quỹ, tôi khá trầm tính, lại ít nói. Mỗi lần cùng các bạn sang thăm ông, ông đều dặn tôi phải cười nhiều lên. Càng cười nhiều thì sẽ càng may mắn. Hay có hôm về Tết, ông còn dặn chụp hình thì gửi ông xem không khí tết ở quê, có lẽ ông sợ tôi sẽ ở lì trong nhà không muốn đi chơi nên mới cố ý nói thế. Từng hành động quan tâm nhỏ của ông đều làm tôi cảm động cực kì.
Ra trường rồi bao nhiêu áp lực như đã kể trên nên tôi dần ít liên lạc với ông. Nhưng khi tôi chìm xuống đáy, ông lại chủ động gọi cho tôi, động viên tôi cố gắng. Khi tôi bật khóc, ông sẽ im lặng lắng nghe. Tôi cười, ông cổ vũ bảo con cười rất đẹp, hãy cười nhiều lên nữa. Khi tôi cần người trò chuyện, ông bảo ngày nào ông cũng rảnh, già rồi cũng không có ai nói chuyện nên rất buồn. Ông còn giới thiệu công việc cho tôi, dù rằng sau đó tôi không làm ở đấy, nhưng tôi vẫn biết ơn ông vô cùng.
Mọi thứ ông làm đều không cần hồi đáp. Chẳng những vậy, ông luôn có cách giúp đỡ tinh tế để tôi không cảm thấy mình là gánh nặng cho người khác. Khi xung quanh không ai hiểu tôi, thì bàn tay của ông đã chìa ra nâng tôi dậy. Người đàn ông đã hơn bảy tám mươi tuổi ấy, dù không cùng máu mủ, nhưng lại có ơn tái tạo với tôi vô cùng.
Giờ này tôi thỉnh thoảng vẫn nhắn tin, gọi điện hỏi thăm ông, nhưng vì công việc phải đi công tác và tăng ca thường xuyên nên hơn 1 năm rồi tôi chưa tới thăm ông lần nào cả. Vừa rồi nghe nói ông bị ngã trẹo tay, tôi đòi đến thăm nhưng ông sợ tôi mua quà cáp tốn kém nên nhất quyết không cho, nói rằng mình đang đi du lịch.
Một con người tốt đẹp từ trong tâm hồn như ông Xuân, đã cảm hóa một người tiêu cực như tôi trở nên sáng sủa hơn, lạc quan hơn. Cuộc đời này, tôi rất may mắn khi gặp được ông Xuân . Như người ta hay bảo, có lẽ ông chính là quý nhân trong số mệnh của tôi.
Một năm rồi không gặp, chẳng biết ông vẫn khỏe và minh mẫn như trước? Những câu hỏi thăm cứ bồi hồi mãi trong miệng mà chẳng thốt ra thành lời được. Dù ở nơi nào, dù cho có khoảng cách về địa lý, tôi vẫn luôn cầu mong ông được mọi điều an lạc.
Hy vọng cuộc thi có thể thay mặt một đứa ít nói như tôi, gửi gắm lời chúc, lời tri ân này đến ông Xuân.
Cuối cùng, chúc mọi người tân xuân hạnh phúc.
♥️ Người gửi: Trương Thị Thanh Trúc
♥️ Người nhận: Nguyễn Thị Đào
♥️ Câu chuyện tham dự:
Mẹ của con
Khi còn con gái, mẹ cứ bảo con gái lớn cứ đòi ngủ với mẹ. Thật ra là nhà không có mấy phòng, lâu lâu mới về nhà nên ba với em ngủ chung, để con ngủ với mẹ. Hồi đấy, con rửa chén, mẹ giặt đồ. Cùng nhau làm việc cho nhanh để 2 mẹ con có nhiều thời gian tỉ tê với nhau. Mẹ là nơi cất giữ nhiều bí mật của con nhất, chẳng có điều gì con không nói với mẹ cả.
Rồi con lấy chồng, mang tiếng lấy chồng gần nhưng số lần về thăm nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lấy chồng chưa được bao lâu thì con cấn bầu. Thai nghén làm con mệt mỏi nên chẳng mấy khi con về nhà với mẹ được.
Thời gian ở gần mẹ lâu nhất là thời gian con ở cữ. Đó là khoảng thời gian con không bao giờ quên được.
Ngày con sinh, lúc biết tin thai khó, cả nhà vội vàng đón xe xuống Sài Gòn cho con yên tâm sinh nở. Nhớ hôm con đặt thuốc kích sinh, con đau từng cơn quằn quại, mẹ và chồng nằm vật vưỡng cả ngày trời ở phòng chờ. Chồng con kể lại: cứ nghe thấy tên Trúc là mẹ cứ cuống lên. Mắt mẹ kém, lại thêm đống đồ lỉnh kỉnh, sợ mất đồ nên mẹ cứ đứng lên ngồi xuống liên tục. Biết con vất vả, mẹ nói: “ước gì mẹ được chịu đau thay nó”.
Về nhà, con gặp nhiều vấn đề sau sinh. Mẹ là người lo cho con tất cả, từng hớp nước muỗng cơm, mẹ như trở thành bác sĩ của riêng con.
Thời gian ở cữ cũng là thời gian căng thẳng nhất của mẹ và con. Mẹ lần đầu làm bà, con lần đầu làm mẹ. 2 thế hệ cách nhau hơn 2 thập kỷ, những mâu thuẫn, những đối lập về quan niệm và cách sống.... làm quan hệ của mẹ và con trở nên căng thẳng. Bởi vì mẹ quá bao dung, còn con thì quá áp lực nên con cứ khó chịu với mẹ. Những lời ăn, tiếng nói không suy nghĩ của con làm mẹ phải tủi thân, phải cắn răng chịu đựng, nhưng rồi mẹ bỏ qua cho con tất cả.
Con nhớ có lần em bé khóc, mẹ cứ bắt con dỗ. Con mệt mỏi vì chưa quen nên điều đó khiến con khó chịu vô cùng. Đến khi em bé ngủ, mẹ nhẹ nhàng nói với con: “Con tranh thủ được ở bên con của con hay ngày nào tốt ngày đó. Hạnh phúc ở đó đấy, chứ lớn lên như con, 16 tuổi xa nhà, đi học, đi làm rồi lấy chồng. Không nhiều thời gian đâu con ạ!”. Con nhận ra rằng, thời gian không đợi ai bao giờ. Cho dù là lúc nào đi nữa, con mãi là hạnh phúc của mẹ.
Ấy vậy mà nhanh thật mẹ nhỉ, hết cữ con lại lên sống với chồng. Vì em bé còn nhỏ, đi lại khó khăn, chẳng biết lúc nào mới có dịp mẹ con mình nằm tỉ tê mọi thứ với nhau nữa. Giờ mẹ nghỉ hưu rồi lại bận việc rẫy vườn phụ ba, con thì công việc và con cái.
Thương mẹ, mẹ cống hiến cả đời cho lớp lớp học trò, giờ mẹ còn hiến cả tuổi già cho gia đình và con cháu. Có con rồi mới hiểu được lòng ba mẹ.
Con xin lỗi mẹ với những lỗi lầm trước đây! Con chúc mẹ sức khoẻ, để con được bên mẹ lâu hơn.
Con yêu mẹ
♥️ Người gửi: Bạch Thanh Trúc
♥️ Người nhận: Đỗ Nam Hải
♥️ Câu chuyện tham dự:
4 năm đại học tưởng dài nhưng cũng thật ngắn, ngày đầu bước vào trường chỉ là những cô bé, cậu bé bỡ ngỡ từ làng quê ra thành phố học. Tự lập không bên bố mẹ họ hàng thân thương. Em thay mặt tập thể gửi tới thầy Đỗ Nam Hải giảng viên khoa vật lý trường đại học khoa học tự nhiên lời cảm ơn chân thành. Là người thầy chủ nhiệm đầu tiên đã giúp lớp trưởng thành. Ngày ấy thầy cũng là giáo viên trẻ mới ra trường, nhưng với kinh nghiệm của người đàn anh thầy đã hướng dẫn tận tình, ngồi chém gió với sinh viên trong góc căn tin tầng 5 của trường. Thầy có còn nhớ cô cán sự lớp đời sống bữa nào họp cũng chém bay của thầy vài cốc sữa chua đánh đá và mè nheo bữa ăn trưa miễn phí. 20/10 đầu tiên của lớp thầy đã cùng chúng em đạp xe đạp đi thăm quan khắp phố phường Hà Nội, còn mua hoa tặng nữa dù mức lương của thầy chắc cũng không cao nhưng luôn sẵn sàng đãi học trò những túi bỏng ngô thật to. 4 năm tập thể B3K48 đã chung sống cùng học tập với nhau dưới một mái nhà. Đó là 4 năm nhiều những biến cố và cũng tràn những niềm vui.
Có những cố gắng rất nhiều nhưng không đạt được mong ước, tưởng chừng như đã khóc và gục ngã. Thầy cô là người dạy bọn em phải cứng rắn.
Có những niềm vui không tả xiết, là tình bạn thắm thiết, là tình thầy trò sâu đậm, những lúc rủ nhau đi ăn chè, uống nước tận trên chợ. Hay những hôm ghé nhà cô chơi.
Còn nhiều những niềm vui và mẫu kí ức đẹp tồn đọng.
Để rồi khi chia tay, những giọt nước mắt lại rơi không ngừng nghỉ.
Đơn giản, khóc vì sợ xa, sợ mất.....mất đi những tình bạn mà có muốn cũng không thể nào mua được.
Để có thể được như ngày hôm nay, để bọn em biết trân trọng tình bạn và cuộc sống này, thầy cô chính là người gieo những mầm giống tốt đẹp đó vào tâm hồn của chúng em.
Đặc biệt biết ơn thầy chủ nhiệm. Đã cần mẫn, chịu đựng và cố gắng để dạy dỗ B3K48 chúng em.
♥️ Người gửi: Huỳnh Thị Ngọc Tuyền
♥️ Người nhận: Phan Thành Trung
♥️ Câu chuyện tham dự:
Nay 2 anh em gọi điện nói chuyện, mới giật mình thì ra anh em mình đã già hết rồi. Em còn nhớ ngày nhỏ đi đâu cũng phải theo anh hai mới chịu. Và vì là em gái nhỏ nên được cả nhà cưng chiều, và em luôn là người ăn hiếp anh, ấy vậy mà anh luôn nhường nhịn .
Năm tháng trôi qua, 2 anh em cùng vào đại học, cùng học tại thành phố, cách xa nhà 300km, anh là người luôn dõi theo chăm sóc em, có khi tiền ba mẹ chưa kịp gửi vào, anh chưa có lương, nhà còn có gói mì, hai an hem cũng chia đôi, và em luôn đc anh cho ăn phần hơn, anh cứ hay bảo: anh no rồi, anh ăn rồi. Sau này em mới biết, vì anh sợ em ăn không đủ no, nên nhường phần mình cho em.
Thấm thoát 10 năm trôi qua, giờ em đã có gia đình nhỏ, theo chồng lên thành phố, anh thì về lại quê nhà làm ông giáo quê, phụng dưỡng ba mẹ. Thỉnh thoảng em vẫn gọi nói chuyện cùng anh. Nhưng không nghĩ là nay anh em đã già đi ít nhiều. Em vô tâm quá phải không anh?
Tết nay về thăm nhà, em sẽ mang theo Star Kombucha để anh và gia đình mình cùng uống, mong cả nhà sẽ luôn khỏe mạnh. Nhờ Star Kombucha kết nối lại tình thân càng thêm thân <3
♥️ Người gửi: Trần Thị Mỹ Tuyết
♥️ Người nhận: Lê Quốc Thanh
♥️ Câu chuyện tham dự:
Khi có tuổi người ta thường hay hoài niệm và hối tiếc khi nhớ về những ngày đã cũ, tôi biết mình không thể thay đổi được quá khứ, về những day dứt khi mình đã cư xử tệ với ai đó. Và tôi vẫn luôn hối hận vì đã góp phần vào cuộc chia cắt của tình thân, tôi thực sự hối hận rất nhiều.
Tôi đã từng nghĩ mình là người đến sau, vốn dĩ bản thân mang nhiều thiệt thòi, bởi chồng tôi là người qua một đời vợ và có một đứa con trai riêng. Đó là mảnh ghép riêng quá khứ của chồng mà tôi nghĩ bản thân mình không muốn chạm vào, vì trái tim đàn bà dẫu cứng rắn đến đâu nhắc đến điều đó chắc hẳn đều đau lòng.
Chồng tôi làm tự do, rày đây mai đó, tiền làm được phần lớn đưa tôi để lo việc gia đình, lo cha mẹ già đau ốm và con trai nhỏ của chúng tôi. Cuộc sống lẽ ra cứ bình yên như thế, anh ấy chưa bao giờ nhắc gì về vợ cũ và đứa con riêng ấy cho đến một ngày giáp tết năm Kỷ Mão, khi tôi đang sên mứt dưới nhà, tôi nghe tiếng ai đó kêu khe khẽ trước cửa. Trước mặt tôi là một chàng trai trẻ chừng 16 17 tuổi mặt trông khá quen, cậu nhóc ngập ngừng chào tôi, gương mặt gầy xương xương và dáng người khá thấp bé, mang đôi dép da cũ mòn và trên vai khoác một chiếc ba lô vải con con...
Cậu nhóc hỏi về chồng tôi, một chút vỡ lẽ tôi mới biết đây chính là đứa con trai riêng thất lạc của chồng tôi. Lúc đó tôi khá ngỡ ngàng và có chút lo lắng tôi không biết cậu ấy đến đây với mục đích gì, nhưng cũng ngại không dám hỏi thẳng thừng mà bảo cậu vào nhà ngồi đợi.
Thì ra sau khi cha mẹ ly hôn được ít lâu thì mẹ cậu qua đời vì bệnh, cậu ở với ông bà ngoại lay lắt cho đến giờ. Mất liên lạc với cha và cũng vì còn quá nhỏ nên không biết phải bấu víu vào đâu, sống bên ông bà già yếu với cuộc sống khá khốn cùng. Rồi cậu lớn thêm một chút, biết nhận thức được nỗi đau của cảnh mồ côi và khao khát tình thương của cha, nên hỏi han mọi manh mối rồi quyết chí đi tìm. Khoảng cách chẳng xa nhưng vì ngày xưa cha mẹ giận nhau rất dữ, nên mọi thông tin liên lạc đều bị cắt đứt, để tìm được cũng nhờ người bạn của mẹ ngày trước cho biết quê nội và tấm ảnh có mặt cha nên tìm được đến đây.
Cả buổi chiều hôm ấy tôi ngồi lặng lẽ nghe cậu kể chuyện, nhìn kỹ mới thấy đúng là gương mặt ấy rất giống với chồng tôi, đôi mắt sáng nhưng rất buồn, hai bàn tay đan vào nhau có chút ngượng ngùng, ngồi trước mặt người mẹ kế là tôi, cậu ấy có vẻ rất căng thẳng...
Tôi bảo cậu ở lại ăn cơm, đợi đến tối chồng về thì sẽ nói cụ thể hơn, thực chất trong lòng tôi lúc đó còn căng thẳng hơn cậu nhóc rất nhiều.
Chồng tôi về, nhìn thấy cậu có vẻ nhận ra ngay, nhưng không quá vồ vập. Tôi để hai cha con ngồi tâm sự riêng, sau mời thêm bố mẹ chồng qua bàn việc. Cuối cùng mọi người quyết định để cậu ấy ở lại nhà tôi. Dự định sẽ cho cậu học nghề thợ mộc gần đó, đợi ra nghề tự lo được bản thân. Tôi không hài lòng lắm nhưng cũng không phản đối, vì dù sao đó vẫn là máu mủ của bên chồng, mình phản đối e không hay lắm, nhưng giữ cậu lại đây thì lòng tôi có chút gợn sóng, có những nỗi sợ mơ hồ vụn vặt rất đàn bà, mà tôi chỉ biết giấu vào lòng mà thôi.
Con trai tôi cũng còn nhỏ quen được cưng chiều, nên ban đầu nó khá phản ứng với người anh trai từ trên trời rớt xuống, nhưng dần dần nó không còn xa cách mà trở nên gần gũi hơn, bởi cậu nhóc kia nhìn chung khá hiền lành, nhút nhát và luôn co cụm không giao tiếp cởi mở cùng ai cả. Tôi cũng ít khi nói chuyện chỉ biết loáng thoáng cậu học hết lớp 5 thì nghỉ, vì ông bà nghèo quá không lo nổi, lang thang theo bà ngoại đi bán siro đá bào ở trường học từ lúc còn bé xíu.
Bàn tay cậu to bè vì quay máy bào đá suốt nên giờ học nghề mộc có chút cứng nhắc, được cái chăm chỉ ngày nào về cũng mang theo thúng dăm bào để tôi dùng cho bếp trấu nấu nướng, vừa học vừa làm nên được nuôi cơm một bữa chỉ ăn ở nhà bữa tối.
Một thời gian chừng 8 tháng thì cậu bắt đầu làm được việc đóng tủ ghép bàn rất giỏi, có bữa đi ngang tôi thấy cậu ngồi đục đục chạm khắc rất chăm chú. Tấm lưng gầy trong chiếc áo thun cũ mèm ướt đẫm mồ hôi, nhìn từ phía sau có chút thương cảm, vì dù gần tuổi nhau nhưng con tôi ít ra còn được đến trường, ngoài giờ học còn đi đá banh thả diều với đám trẻ, nhà không khá giả nhưng cơm nước đủ đầy và áo quần lành lặn. Còn cậu lớn lên trong cảnh mất mẹ từ bé đã là một thiệt thòi vất vơ vất vưởng ngoài đường, kiếm từng miếng ăn cực nhọc đến khi tìm được cha thì ông thừa nhận nhưng cũng dửng dưng, chỉ có ông bà nội còn có chút quan tâm. Tôi thì thái độ lúc nào cũng lạnh nhạt, không gần gũi mà có chút xa cách. Sống chung nhà nhưng hiếm khi tôi trò chuyện hỏi han. Tôi thừa nhận mình có phần ích kỷ đôi khi nghĩ bâng quơ, sợ tình cảm con trai bị vơi bớt.
Thỉnh thoảng tôi vẫn nói gần nói xa với chồng về việc sợ sau này nặng gánh, nhưng anh khẳng định với tôi, anh chỉ giúp nó có nghề ổn định, rồi cho nó ra ngoài sống, chứ mọi yêu thương anh đều dành cho con trai chung. Nghe anh nói vậy thì tôi như trút được gánh nặng tinh thần và dằn lòng đợi thêm một thời gian nữa.
Khoảng hơn năm thì cậu ấy được lên thợ chính thức và được trả công. Tôi không biết bao nhiêu, cũng chẳng bao giờ hỏi. Cậu dè dặt gửi tôi 100.000 đồng tiền ăn mỗi tháng. Thực ra khi ấy đó cũng là số tiền khá lớn, vì mỗi ngày tôi đi chợ chưa tới 10.000 đồng đã đủ bữa ăn cho cả nhà, nhưng tôi vẫn bực tức. Tôi nghĩ nuôi cậu bao lâu nay, lẽ ra nên gửi nhiều hơn mới đúng, dấm dứt trong lòng nhưng tôi lại chẳng nói ra sợ mang tiếng mẹ ghẻ hạnh họe con chồng. Sống trong nhà nhưng cậu như chiếc bóng lặng lẽ, ngoài nói chuyện với đứa em cùng cha khác mẹ thì hầu như chẳng nói gì với ai. Chồng tôi khá vô tâm, đi làm về chỉ hỏi han đứa em mà không để ý thằng anh ngồi lẻ loi trên chiếc đi-văng, đôi mắt có chút buồn và hiếm khi nở nụ cười.
Thằng nhóc ấy cũng thuộc dạng có hoa tay, lâu lâu có đem về chiếc ghế, chiếc bàn tự đóng từ mảnh gỗ thừa xin chủ, nhìn khá đẹp và chắc chắn, cho em trai ngồi học thoải mái. Nó không nói gì với tôi, nhưng cũng khá tinh tế khi đem về chiếc tủ gỗ chạm trổ họa tiết có gắn gương soi. Bảo tặng tôi treo áo dài cho gián khỏi cắn. Lúc về nhà, nhìn thấy tôi cũng khá bất ngờ với đứa chỉ mới mấy mười tuổi đã làm ra tiền, biết quan tâm đến mọi người bằng những hành động khá ấm áp, nhưng tôi vẫn không thể bỏ xuống hòn đá nặng trong tim mình, tôi biết mình cố chấp một cách vô lý.
Có một hôm, tôi thấy cậu ngồi một mình sau nhà lúc đêm tối, bóng dáng lặng lẽ nhìn khá tâm trạng. Hôm ấy trăng mười sáu sáng, dường như cậu đang thổi sáo, tiếng sáo réo rắt khi buông khi bắt như suối ngàn tuôn chảy, như nói lên tiếng lòng giấu kín. Nó làm tôi chợt nhớ đến bài thơ Đường được nghe từ ngày còn nhỏ:
"Một mình trong khóm trúc,
Gảy đàn rồi hát chơi,
Rừng sâu kẻ không biết,
Trăng sáng chiếu lên người..."
Cậu ngồi đó khá lâu đến khi tôi thấy trăng dường như hòa lẫn vào nỗi buồn tận sâu của cậu, như một bức tranh ảo ảnh tràn ngập sự não nề.
Sau này tôi mới biết hôm ấy là ngày giỗ của mẹ, cậu tự mua ít trái cây rồi cúng trong lặng lẽ, người chồng của tôi từ lâu đã không còn quan tâm đến người vợ cũ đã mất, vô tình nên cũng chẳng bao giờ đả động đến việc cúng giỗ. Tôi không biết hương hồn bà ấy có lạnh lẽo lắm không, nhưng nhìn cậu con trai của họ bây giờ, là một người mẹ lòng tôi có chút xót xa...
Vài tháng sau cậu xin phép mọi người về lại bên ông bà ngoại, cũng chẳng hẹn ngày quay trở lại. Trước khi đi còn cảm ơn tôi vì đã cưu mang suốt thời gian qua, cậu xin lỗi vì đã đem đến sự bất tiện và khó xử cho tất cả mọi người. Cảm ơn đã cho cậu được học nghề đến nơi đến chốn. Cậu biết ơn vì lúc đói khát bơ vơ đã không bị xua đuổi... Tôi nghe khá nhói lòng, dù gì cậu ấy còn khá trẻ, lẽ ra được cha dạy dỗ cận kề thì lại sống trong cảnh cô đơn, luôn thấy mình là người thừa thãi.
Nhiều năm sau, cậu chưa từng quay trở lại, biến mất như bọt biển tan vào đại dương, không để lại chút dấu vết gì. Ông bà nội đến lúc mất vẫn quay quắt nỗi ân hận với đứa cháu côi cút lạc loài, còn chồng tôi khi có tuổi đã bắt đầu hối hận day dứt vì đã đối xử tệ với núm ruột của mình. Còn tôi cứ nghĩ giá như mình rộng lòng hơn một chút, đón nhận và coi cậu như một người thân thì có lẽ cậu đã không rời đi như thế, để con trai tôi có người anh dẫn dắt và yêu thương nó sau này, nhưng tất cả chỉ còn lại giá như.
Mấy năm gần đây khi chồng tôi bắt đầu thường xuyên đau ốm bắt đầu cho người dò la tin tức về cậu, tìm về quê cũ nghe được tin cậu đã lập gia đình vui vầy bên vợ con, cũng đang làm cho xưởng nội thất nghe tin lòng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm. Tôi đã từng day dứt biết bao nhiêu giờ đây nghe tin ấy cảm thấy thật mừng ít nhất cậu đã tìm thấy hạnh phúc cho mình bù đắp lại cuộc đời trống vắng đơn côi. Tôi muốn nói với cậu lời xin lỗi tận đáy lòng, hy vọng trong tương lai cậu sẽ mở lòng đón nhận con trai tôi để nó được gọi thêm lần nữa hai tiếng “anh hai”.
♥️ Người gửi: Đỗ Đại Kiều Uyên
♥️ Người nhận: Cao Thị Mừng
♥️ Câu chuyện tham dự:
Mẹ ơi! Thế là đã hơn 10 năm kể từ khi con rời xa vòng tay mẹ để cất bước theo chồng rời xa Hà Nội, rời xa vùng đất mà con đã sinh ra và lớn lên. Con vẫn nhớ mãi những ngày được sống với mẹ, được mẹ nấu nước hoa bưởi cho gội đầu, được ăn những món ngon do mẹ nấu, được nằm ngủ trong lòng mẹ và nghe mẹ hát. Đối với con đó là quãng thời gian vui vẻ và hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Con vẫn còn nhớ chiếc áo dài trắng đầu tiên của một thời thiếu nữ hoa mộng con mặc tới trường năm xưa là được mẹ tự tay cắt may cho. Mẹ đã thức trắng biết bao đêm để chăm chút từng đường đường kim mũi chỉ để đứa con gái yêu kịp có áo mặc trong ngày khai trường. Con đã tự hào biết bao khi mặc chiếc áo ấy, chiếc áo dài trắng tinh xinh đẹp đến nỗi mà bạn con đã phải trầm trồ và không ngớt lời khen ngợi. Tuy hoàn cảnh kinh tế nhà mình chẳng mấy khá giả nhưng mẹ đã cố gắng hết sức để lo cho con không thiếu một thứ gì. Mẹ luôn sợ con tủi thân vì thua sút chúng bạn.
Mỗi năm học mới mẹ đều phải tất tả mua sắm đồ dùng học tập cho con, mẹ đã thức trắng cùng con trong thời gian con ôn thi đại học để cổ vũ tinh thần cho con. Mẹ ơi! Con đã đi theo tiếng gọi của tình yêu mà rời bỏ mẹ rồi vào tận phương Nam xa xôi này. Ngày đưa dâu vào Nam mẹ đã khóc cạn nước mắt khi nhìn đứa con gái duy nhất lên xe hoa về xứ lạ bỏ lại mẹ một mình một thân đơn lẻ chốn quê nhà. Mỗi năm Tết đến Xuân về là lúc con nhớ mẹ khôn xiết nhớ lắm hình ảnh mẹ yêu tần tảo buôn bán nơi đầu sông cuối chợ để kiếm tiền nuôi con ăn học. Thuở còn bé không Tết năm nào là con không có quần áo mới để khoe với chúng bạn vì mẹ đã lo tranh thủ dành dụm mua vải mới và thức đêm may cho con.
Mẹ ơi! Con chỉ có một mơ ước thôi! Mong ước ước được chạy về ôm mẹ được nói với mẹ rằng con yêu mẹ. Nếu thời gian có thể quay trở lại con sẽ không chạy theo tiếng gọi của tình yêu mà rời bỏ mẹ. Mẹ ơi! Xin mẹ hãy tha thứ cho đứa con gái nhẫn tâm và ích kỉ này. Con hy vọng rằng mẹ có thể nghe được những lời từ tận đáy lòng này của con.
Con gái bất hiếu của mẹ.
Đỗ Đại Kiều Uyên
♥️ Người gửi: Hoàng Thị Kim Vân
♥️ Người nhận: Hoàng Thị Chấu
♥️ Câu chuyện tham dự:
Một chiều mưa gió, dọn nhà lục lại đống ảnh cũ, chợt thấy tấm ảnh chụp cùng nội khi bé, bao nhiêu kí ức tuổi thơ trong tôi ùa về.
Nội của tôi cần cù, siêng năng, giàu đức hy sinh và suốt đời vì con cháu.
Lúc còn nhỏ, tôi sống với nội, được nội yêu thương chăm sóc. Tôi thích cảm giác cuộn tròn nằm trong lòng nội, gọi nội với tên thân thương là "bà mẹ". Nhiều năm như thế trôi qua, tôi dần quen và bỗng nhiên thấy lạ lẫm mỗi lúc bố mẹ nghỉ phép về nhà.Kỷ niệm đó như vẫn còn đây. Bao năm tháng tôi "làm khổ" nội và chưa kịp báo hiếu. Vậy mà nội đã đi xa. Giờ chỉ còn mình tôi với những ký ức thương yêu về nội.
Tôi bên cạnh bà nội. Tôi trân quý bà nội vì cả đời đã dành tất cả tình yêu thương, lo lắng cho con cháu. Chính trong nghèo khổ đã giúp nội trở thành một người cần cù, siêng năng, chịu thương, chịu khó, giàu đức hy sinh, thương con, thương cháu. Tôi sống từ nhỏ với nội nên đã chứng kiến nhiều việc khiến bản thân thương và kính phục nội hơn. Lớn lên, tôi lại được bố kể cho nghe câu chuyện ngày bố mẹ lấy nhau. Ngày đó, gia đình tôi vẫn còn nghèo lắm. Mẹ sinh ra tôi nên ưu tiên nhất nhà là được ăn cơm, còn lại mọi người đều phải ăn cơm độn khoai sắn. Thể trạng mẹ sau sinh ít sữa mà tôi lại ốm yếu. Nhưng vì thương con cháu mà nội không quản ngại chuyện lên rừng xuống sông, kiếm thêm bó củi, con hến, con cá tẩm bổ. Sáng dậy sớm, nội tập tành đi buôn, mặc dù trước đây không được học hành, nên việc tính toán chậm chạp. Song, bằng tình yêu của mình, nội vẫn quyết chí vừa học vừa làm. Kết quả là việc buôn bán của nội sau đó rất suôn sẻ. Lúc tôi lên hai, bố mẹ đi làm ăn xa, tôi ở nhà với ông bà nội. Tôi được bà nội lo lắng, chăm sóc từng chút một. Bà ân cần dạy bảo, động viên. Điều này khiến tôi luôn tự hào và biết ơn bà nội rất nhiều. Những khi bà nội có bánh trái hay xôi trám, xôi đỗ đều chia phần cho các cháu. Hay khi nào có thịt gà, con cá, bà đều gọi các con cháu cùng ăn.Thậm chí trong những bữa cơm tối, trên tay bà nội lúc nào cũng có chiếc quạt nan, lâu lâu lại phe phẩy xung quanh các cháu để đuổi muỗi. Chỉ những hành động thường ngày nhỏ nhoi như vậy thôi, mỗi khi nhớ lại, tôi vô cùng xúc động. Tôi không biết phải cảm ơn bà nội như thế nào cho đủ, nên chỉ biết tự nhủ bản thân phải thật chăm ngoan, học giỏi, không phụ lòng bố mẹ, ông bà. Lúc nào tôi cũng cầu nguyện cho gia đình, ông bà, bố mẹ luôn khỏe mạnh, hạnh phúc. Tình yêu đôi khi dành cho những cái hiện hữu, nhưng cũng có thể dành tặng những điều chỉ ở trong tim. Con yêu nội!
♥️ Người gửi: Lê Thị Bích Vân
♥️ Người nhận: Sơ Hoàn
♥️ Câu chuyện tham dự:
Cuộc sống là một guồng quay hối hả, đòi hỏi con người không ngừng thay đổi để thích nghi, để tồn tại, và để đạt được mục tiêu mình trong cuộc đời rộng lớn này. Con là một cô gái năng động luôn thích làm giàu và đạt được sự thành công nhanh, nên tan học là vội vã chạy đi làm thêm, đầu tắt mặt tối từ 6h sáng đến tận 23h đêm, không quan tâm được gia đình, anh chị... Nhiều người đã nói con nên chậm lại, hãy tận hưởng năm tháng sinh viên tươi đẹp, bình tĩnh mà sống, vui chơi như bao bạn sinh viên khác cho tâm hồn đúng lứa tuổi. Nhưng con bảo: " Vậy phí thời gian và tuổi trẻ lắm, đang có cơ hội mà không nắm bắt để vươn mình thì sao sớm thành công ". Cũng đúng con à, đó là một lời từ người Sơ đi tu đã ủng hộ tinh thần cho tôi theo lẽ sống của chính mình. Và tôi từng quyết định bảo lưu 1 năm học, đi ra ngoài làm, một năm qua ra bươn chải cọ xát thương trường, cũng lên được chức quản lý, cũng góp vốn mở được cái quán cafe nho nhỏ. Đạt được 1 phần thành công mình muốn, vui mới phải, chứ đâu ra mà khi Sơ gặp con vẻ mặt lại già đi nhiều, nụ cười trên môi không chút năng lượng, con đến nhà thờ ít hơn đến chỗ làm. Lúc ấy, con hai hàng nước mắt, khóc vì có người hiểu mình rồi. Sơ như người thầy, như người chị mà 2 năm tôi không gặp từ trại hè 2018, giờ đang ở bên cạnh ngay lúc tôi u buồn, hiểu con đã vấp ngã rồi, nhưng cái này là thử thách, nên không dài dòng, không lòng vòng, cũng không trách móc, mà bằng lời động viên từ Sơ nói ra, tôi như được tưới nước vào khu vườn héo úa của mình có sự sống lại. Sơ cầu nguyện giúp em vượt qua nghịch cảnh này. Ấy thế là, giờ đây gần hết một năm cũ, con nhận được hồng ân đó, con chuyển giao công việc mình cho người khác, quay lại đi học, tận hưởng tháng ngày sinh viên, quan tâm đến gia đình hơn, tinh thần dần đầy năng lượng hơn. Con biết ơn Sơ, nhưng ngại gặp mặt để nói, nhưng tết năm nay thật may mắn khi đã có Star Kombucha là cầu nối gửi trao yêu thương, gắn kết tình thân "bỏ quên ". Thay lời muốn nói của con đến Sơ, chúc Sơ đón một năm mới thật nhiều sức khỏe, vạn sự bình an, cầu gì được nấy, hồng ân Chúa tuôn đổ nơi Sơ, con sẽ sống tốt và thành công bền vững để xứng là một bạn giới trẻ năng động Sơ tin yêu và hi vọng.
Tạm biệt Sơ Hoàn!
♥️ Người gửi: Lê Văn Vy
♥️ Người nhận: Duy Hà Minh
♥️ Câu chuyện tham dự:
“Một đời người - một dòng sông...
Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,
"Muốn qua sông phải lụy đò"
Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa ... “
(Người lái đò)
Nếu cha mẹ là người đã sinh ra ta, đưa ta đến với cuộc đời này thì thầy cô là người cha, người mẹ thứ hai đã dạy cho ta kiến thức, truyền đạt cho ta biết bao điều hay lẽ phải về kỹ năng sống, giúp ta nên người. Quả đúng như lời thơ, có mấy ai đi suốt cuộc đời mình mà không có người thầy, người cô dẫn lối. Có mấy ai trưởng thành mà không phải trải qua những ngày tháng học sinh, ngồi trên ghế nhà trường nghe thầy cô giảng bài. Thầy cô - những người lái đò tận tụy hết lòng với nghề, với mỗi lứa học sinh của mình. Làm sao có thể lớn lên, có thể trưởng thành mà không có thầy cô ở bên dạy dỗ, dẫn đưa. Thầy cô giống như những cây chỉ nam, những ngọn hải đăng giúp ta định vị, tìm thấy hướng khi đi lầm đường, lạc lối. Thầy cô giống như ngọn lửa ấm áp, dìu dắt chúng em trước những vấp ngã của cuộc đời.
Và với tôi, thầy chủ nhiệm lớp 12 là người thầy mà tôi ấn tượng và mãi không thể quên, thầy không chỉ là một người thầy mà thầy như "người cha thứ hai" của chúng tôi, thầy có tấm lòng thật bao la, một nhân cách thật vĩ đại và thầy luôn đặt tâm và đức vào cho chúng tôi. Thầy thường dạy chúng tôi rằng học có thể bây giờ chưa giỏi nhưng nếu con người không có trách nhiệm và không có tâm có đức thì sau này các con không thể thành người có ích. Không chỉ thế, thầy còn luôn bên cạnh mỗi khi chúng tôi gặp khó khăn hay sai lầm - thầy luôn khuyên dạy và chỉ cho cho chúng tôi thấy được rằng: ai cũng có sai lầm và hãy xem mỗi sai lầm ấy là một bài học để mình không sai phạm.
Năm tháng trôi qua, đã gần 20 năm ngày xa mái trường, xa thầy nhưng với chúng tôi hình ảnh ấy, lời dạy đó của thầy như mới hôm qua - đường đời chúng con đang bước tuy còn nhiều gian nan nhưng với những lời tận đáy lòng của một người thầy, người cha đã cho chúng tôi nhiều bài học và nhiều ý chí trong học tập cũng như trong đường đời, làm sao có thể kể hết công ơn ấy của thầy. Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, với tất cả tấm chân tình con muốn gửi đến thầy lời chúc luôn vui vẻ, tràn ngập niềm tin trong cuộc sống. Chúc thầy luôn gặp may mắn và thành công trên con đường dạy học của mình.
♥️ Người gửi: Vũ Thụy Vy
♥️ Người nhận: Đào Văn Thường
♥️ Câu chuyện tham dự:
Ngày xửa ngày xưa khi còn rất bé, tuy mới 5 tuổi nhưng tôi có thể nhớ rất rõ những ký ức về ông ngoại đã yêu thương, chăm sóc và lo lắng cho tôi đến nhường nào.
Khi đó mẹ tôi đi làm xa lắm! Mỗi năm vào dịp tết mới về thăm chúng tôi một lần, ba cũng đi theo phụ mẹ bán bưng. Mấy chị em tôi phải ở nhà sống với ông ngoại, bà ngoại tôi mất sớm vì một lần theo xe lam lên đèo đường Đà Lạt để lấy hàng về buôn bán thì gặp tai nạn qua đời khi tuổi chừng 50. Mẹ tôi đã nhiều lần hỏi ngoại tôi có muốn đi thêm bước nữa vì thấy ngoại lủi thủi một mình vì nhớ bà. Sau này lớn lên tôi mới hiểu tình yêu của ông dành cho bà là duy nhất và cũng là tình đầu của ông, nên ông không sao quên được. Cũng nhờ chăm mấy chị em tôi mà ngoại đã không có nhiều thời gian trống để nghĩ về bà.
Ngày tháng lặng lẽ trôi đi và chúng tôi cũng lớn lên nhờ bàn tay chăm sóc của ngoại nhiều hơn. Tôi nhớ có lần bị đau răng và lung lay sắp rụng, tôi không ăn uống được gì cứ ôm mặt khóc, tôi lại sợ đi bác sĩ lắm! Ông ngoại đã dỗ tôi hết lời, nói rằng nhổ răng không đau chút nào, chỉ như kiến cắn thôi con à! Rằng: nếu con nhổ răng ngoại sẽ mua kẹo và cho con 2000đ. Hồi đó còn nhỏ đối với tôi 2000đ nó to như bánh xe bò, có thể mua được bát phở. Nên tôi đã vui vẻ theo ngoại đi gặp bác sĩ để nhổ răng. Lúc đó ngoại còn khỏe, tuổi trung niên nên đi đứng nhanh nhẹn, lại điển trai nữa. Ông ngoại đã dẫn chúng tôi lên Sài Gòn thăm ba mẹ tôi đang buôn bán trên đó. Lần đầu tiên được đi xa nhà và được ngồi chiếc xích lô tôi vui sướng lắm! Tôi cứ nhìn ông ngoại, thầm cảm ơn ông đã làm những điều tốt nhất cho tôi.
Ngày tôi vào cấp 1 tôi lì đòn lắm! Ở lớp tôi còn tũn ra quần nữa cơ, cô giáo mắng vốn ngoại tôi, ông ngoại chạy ngay ra lớp không quên đem theo quần áo để thay cho tôi. Ông ngoại chưa bao giờ la tôi cả và luôn miệng khen cháu ông giỏi quá! Lúc tôi ốm ngoại tự tay nấu cháo cho tôi ăn, mùi cháo hành có trứng gà dậy mùi thơm nức, tôi ăn rất ngon lành vì vị cháo ông nấu rất đậm đà, thơm ngon. Có khi ngoại còn nấu cháo thịt bằm cho thêm đậu xanh để tôi ăn dễ đi cầu vì chứng táo bón của tôi. Ngày ngày ngoại còn dẫn tôi đi học và kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện hay mà ông lượm lặt được. Tôi thật bé nhỏ và hồn nhiên nghe những lời ông kể. Đôi mắt sáng ngời của ông luôn hiện rõ trong tâm trí tôi là ánh mắt hiền hoà và nụ cười tỏa nắng. Thương ông rất nhiều vì vất vả nuôi tôi.
Ngày đó cách đây 30 năm, giờ ngoại đã hơn 80 tuổi. Cái tuổi mà hay bệnh, đã thế ngoại còn bị bệnh tiểu đường nên nó hành đủ thứ. Ngoại thích uống cafe nữa và thích ăn đồ ngọt nhưng vì tiểu đường nên rất hạn chế cho ngoại ăn đồ ngọt sẽ bị tiêu chảy. Ngoại yếu lắm rồi! Giờ ngoại tôi phải nằm xe lăn, chân ngoại không đi được nữa. Sức khỏe ngày một yếu dần, lại lúc nhớ lúc quên. Ngày ngày mẹ tôi đều đặn nấu cháo cho ngoại ăn. Vẫn là hương vị ngày xưa khi tôi còn bé ngoại nấu cho tôi ăn. Tôi thương ngoại lắm! Sợ ngoại đau đớn khi bệnh hành lên. Nếu có điều ước tôi ước ngoại trẻ ra thêm 50 tuổi nữa để tôi cùng ngoại làm vài ván cờ vì ngoại rất thích đánh cờ tướng, và tôi sẽ cùng ngoại đi du lịch vì cả cuộc đời thanh xuân của ngoại dành hết cho tuổi thơ của chúng tôi. Mong ngoại luôn khỏe mạnh để được nghe tiếp những câu chuyện ngoại kể, ngoại nhé! Yêu ngoại của con.
Con chúc ngoại Tết đến sẽ luôn được khỏe mạnh và bình an, con sẽ về thăm ngoại, ngoại chờ con nhé!
♥️ Người gửi: Vũ Nhật Linh Như Ý
♥️ Người nhận: Mai Thục Trương Ngữ
♥️ Câu chuyện tham dự:
Giáng Sinh là dịp vô cùng đặc biệt những ngày cuối năm, để chúng ta gửi tặng những lời chúc an lành tới người thân, bạn bè. Chúng ta thường gửi cho những dòng SMS, hiện tại thì là những tin nhắn qua Zalo, Facebook,... chúc Giáng Sinh. Có thể nói đó như một thói quen của mỗi người. Một thói quen tốt nếu chúng ta gửi cho bạn bè, người thân và kèm theo đó là một cuộc gọi và chính miệng chúng ta nói ra lời chúc đó. Nhưng có lẽ chẳng mấy ai làm được và đó cũng là nỗi buồn duy nhất của tôi khi không còn cơ hội chúc người bạn thân của tôi một Giáng Sinh an lành, hạnh phúc bên đất nước xa xôi kia.
Tôi và Bạn ấy là đôi bạn rất thân khác giới. Chúng tôi chỉ học với nhau được một năm rồi bạn ấy chuyển sang định cư bên Mỹ cùng với cha mẹ. Thời 2007, 2008 tôi mà muốn liên lạc với Bạn ấy chỉ có cách sử dụng yahoo, email. 3 năm hơn, chúng tôi không được nghe tiếng của nhau, chỉ có những lời nói, lời chia sẻ, tình cảm gửi qua những bức thư từ email, yahoo. Mãi đến 2012 thì tôi có chiếc điện thoại cảm ứng. Thứ tôi tải đầu tiên đó là Facebook để có thể gọi mặt đối mặt với Bạn ấy, để có thể nghe được tiếng của nhau. 2 chúng tôi sau 6 năm mới có thể nghe lại tiếng nói của nhau. Cảm giác hạnh phúc không diễn tả được. Tết và Giáng Sinh chắc chắn là phải gọi cho nhau tới khi buồn ngủ thì thôi, ngày nghỉ mà các bạn. Nhưng đến năm 2015 cũng là năm tôi thi đại học, thời gian học của tôi rất là nhiều. Bạn ấy cũng vậy, cũng học nhiều hơn và phụ gia đình nhiều hơn. Tôi chẳng còn mấy thời gian mà gọi cho Bạn ấy cũng như Bạn ấy gọi cho tôi. Trái múi giờ, tôi ngủ, Bạn ấy thức. Tôi thức, Bạn ấy ngủ. Thế rồi những cuộc gọi mặt đối mặt lại chuyển sang những dòng tin nhắn. Nay nhắn, mai người kia trả lời. Có phải chăng càng lớn, chúng ta càng có nhiều mối quan hệ thì tình cảm với những người ở xa lại càng nhạt dần theo thời gian. Từ lúc chúng tôi bận việc học, không còn gọi Facebook mặt đối mặt với nhau nữa thì những dòng tin nhắn cũng thưa dần. Thế rồi chỉ còn những ngày lễ lớn như lễ Giáng Sinh gửi cho nhau 1 lời chúc qua một tin nhắn. Cảm giác 2 đứa ngày càng xa dần vậy đó. Đến Giáng sinh năm 2019, Bạn ấy gọi cho tôi sau 4 năm không gọi nói chuyện trực tiếp. Cảm xúc vẫn vậy, rất vui và hạnh phúc, nhưng thật đáng tiếc thời gian đó tôi lại trúng vào dịp đang thi giữa kỳ 5 năm đại học. Tôi chẳng thể nói chuyện với bạn ấy quá được 15 phút vì còn phải lo học. Dặn lòng mình chắc chắn Giáng Sinh 2020 tôi sẽ là người gọi và chúc Bạn ấy đầu tiên. Nhưng đâu ai biết được tương lai khi bạn ấy lại ra đi mãi mãi, chẳng bao giờ tôi có thể gọi cho bạn ấy nữa. Tin nhắn gửi đi cũng chẳng bao giờ báo người kia đã xem tin nhắn. Lời hứa chúc Giáng sinh bạn ấy cũng chẳng bao giờ được nói nữa. Quá muộn để có thể chúc nhau 1 Giáng sinh an lành.
♥️ Người gửi: Nguyễn Hải Yến
♥️ Người nhận: Lê Thanh Triều
♥️ Câu chuyện tham dự:
Sài Gòn, ngày 14 tháng 12 năm 2020.
Gửi cậu, Thanh Triều,
Lâu thật lâu rồi, tớ và mẹ tớ nhớ cậu. Lần gần đây nhất tớ gặp cậu là một ngày đầu hạ của hơn tám năm trước. Cậu đã không cho tớ biết rằng cậu sẽ không còn học cùng tớ nữa, ở mảnh đất thân thương này cũng không còn cái gọi là “nhà” của cậu nữa. Cậu thoắt biến mất sau làn nắng hạ tàn phai, lớp năm của tớ bắt đầu với sự lạ lẫm và thiếu vắng cậu, chàng trai thật thà dễ thương từng cùng tớ học chung dưới một mái trường bốn năm.
Vậy mà đi đến một nơi xa thật xa mà không một lời tạm biệt.
Tớ vẫn nghĩ cậu rồi sẽ quay lại, và cậu quay lại thật. Đó là mùa hạ cuối cấp một. Tớ bắt đầu học thêm. Cậu gặp mẹ tớ ở chợ gần trường, cậu hỏi mẹ tớ về tớ, mẹ tớ bảo tớ đang ở trường. Cậu vào trường tìm tớ, nhưng tớ không gặp được cậu. Đến khi mẹ đón tớ về nhà, tớ mới biết cậu đã đến. Nhưng trớ trêu làm sao khi mà tớ và cậu lại không gặp được nhau.
Tớ càng tin rằng rồi sẽ có ngày tớ với cậu được gặp nhau.
Hè lớp sáu, tớ lên trường cấp một đợi cậu. Nhưng cậu không về.
Hè lớp bảy, tớ lên trường cấp một đợi cậu, Nhưng cậu không về.
Hè lớp tám, tớ lên trường cấp một đợi cậu. Nhưng cậu không về.
Hè lớp chín, tớ lên trường cấp một đợi cậu. Nhưng cậu không về.
Hè lớp mười, tớ lên trường cấp một đợi cậu. Nhưng cậu không về.
Hè lớp mười một, tớ lên trường cấp một đợi cậu. Nhưng cậu không về.
Hè lớp mười hai, tớ không lên trường cấp một đợi cậu được. Và cậu vẫn không về.
Tớ không thể nhớ được lớp hai và lớp ba đã trải qua thế nào, cũng không nhớ được hai năm đó cậu đã ngồi ở đâu, không có chút kí ức nào lưu lại giữa tớ và cậu. Nhưng năm lớp một và lớp bốn thì khác.
Năm tớ và cậu cùng học lớp một, cậu là một cậu bé mũm mĩm với làn da hơi ngăm, và lúc nào cũng cười suốt. Cậu có hàng chân mày rậm và đen sẫm, quả tóc đầu đinh càng khiến cậu trông tròn trịa hơn. Mẹ tớ dạy lớp tụi mình. Nhớ nhất vẫn là Thanh Triều thật thà và dễ thương vô cùng trong tiết tự nhiên và xã hội. Hôm đó mẹ tớ có dặn vui là nhà bạn nào có gà con thì mang lên lớp cho các bạn xem với, hôm sau thấy cậu lấp ló trước cửa lớp với cái lồng chim con con được che bằng một mảnh vải màu xám sọc. Cậu xách vào lớp trước sự tò mò của các bạn. Và cứ giữ khư khư sự tò mò của mọi người cho đến khi vào tiết tự nhiên và xã hội. Cậu mang lồng chim lên đưa cho cô giáo (là mẹ của tớ). Trong đó là một chú gà con. Cô khẽ bế nó lên đưa trước cả lớp trước sự thích thú của mọi người và sự ngại ngùng của cậu. Cô giáo thực sự ngạc nhiên vì cậu trò nhỏ này. Tớ vẫn nhớ đến giờ múa hát sân trường, cả lớp trống tải chỉ có hai đứa – tớ đang sốt nên không ra tập được, còn cậu ở lại vì chú gà con. Nó không thấy cậu là kêu inh ỏi lên. Hình như đó là cuộc trò chuyện đầu tiên của tớ với cậu, chỉ nhớ rằng rất vui, và cậu cười suốt.
Sau tiết học vui vẻ đó là những ngày học tự nhiên và xã hội vui vẻ hơn bao giờ hết. Cậu mang cả mèo con, rau cải, củ, quả, những thứ mà sách giáo khoa của tụi mình có. Mẹ tớ có lần gặp phụ huynh và nhắn rằng không cần phải mang đồ lên học đâu, nhưng mẹ cậu cười nói là mang được thì mang lên cho tụi nhỏ cùng chơi cùng học, có sao đâu, mà nhà cũng có những thứ đó, chắc gì tất cả tụi nhỏ đều được thấy, sờ?
Nhà cậu năm đó còn trồng cả bưởi da xanh cơ. Những ngày có thu, tết, hay cả ngày nhà giáo Việt Nam, khi tan học đều thấy mẹ cậu cầm một cặp bưởi đợi mẹ tớ. Hình ảnh quen thuộc đó xuyên suốt trong bốn năm học cấp một đều đặn in vào hồi ức của tớ.
Năm tớ và cậu học chung lớp bốn, nhà cậu có thêm món mới: mơ ngâm đường. Hôm đó cậu hỏi tớ muốn ăn không, tớ nói tớ không biết món đó là gì cả, cậu chỉ cười. Ngày hôm sau cậu mang cho tớ một chai đựng đầy quả. Nhưng không may là bạn xung quanh thấy được nên “tấn công” hết sạch, còn tớ thì ngơ ngác chưa kịp thử miếng nào. Thế là hôm sau nữa, cậu lại mang theo một chai đựng đầy quả…
Cậu còn mang dâu da lên lớp và chia với tớ. Giờ nghĩ lại mới thấy ngày trước cậu thiên vị tớ hơn hẳn những bạn học khác. Mà tớ lúc đó thì chơi thân với tất cả mọi người…
Những tháng ngày đẹp đẽ đó xa thật xa rồi. Tớ và cậu cũng lâu thật lâu rồi không gặp nhau. Những tin tức về cậu mong manh không tín hiệu. Tớ không biết cậu đã đi đâu, mẹ tớ cũng không biết…
Rồi một lần ai đó nói với tớ là bố cậu mất rồi, cậu và mẹ đang sống ở Lâm Đồng. Người đó còn nói là bố cậu mất thì đỡ làm khổ hai mẹ con. Bố cậu là sâu rượu, khi không còn tỉnh táo thì đánh đập mẹ cậu, có phải không? Tớ thậm chí còn không biết những điều này có đáng tin hay không. Tớ chưa từng thấy bố cậu lên trường, có phải chăng là thật…? Tin tức phong phanh như cơn gió tình cờ lướt ngang qua, không ai chứng thực, cũng không biết ai thấy nó. Nhưng dù sao tớ vẫn mong cậu và mẹ cậu vẫn thật mạnh khoẻ, vẫn vui vẻ như ngày nào, và cậu vẫn được đi học, thành công, hiếu thảo.
Lê Thanh Triều, tớ nhớ như in họ và tên của cậu, nhớ cả khuôn mặt vui vẻ của cậu, nhớ những khoảnh khắc cậu và mẹ đứng cùng nhau, chờ mẹ tớ. Tớ nhớ cả sinh nhật cậu gồm 4 và 5. Nhớ những quả dâu da xanh xanh chua ngọt, nhớ mùi mơ ngâm thơm thơm len qua vỏ nắp…
Ước gì tớ và mẹ được gặp lại cậu và mẹ cậu nhỉ. Tớ và mẹ nhớ cậu nhiều lắm đấy, không biết cậu và mẹ cậu thì sao…
Triều nè, dù sao thì cũng phải sống thật tốt nha. Thật tốt như hồi tớ và cậu còn gặp nhau. Cậu là một người vui vẻ và vô cùng thật thà, còn hiếu thảo hơn ai hết. Tớ chỉ mong ngày gặp lại, cậu vẫn là cậu của ngày trước, không xa lạ và thật ấm áp.
Tớ chúc cậu và mẹ cậu ở nơi xa luôn vui vẻ, mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc hai mẹ con cậu vạn sự bình an!
Tớ và mẹ tớ nhớ cậu và mẹ cậu nhiều lắm…
Bạn của cậu,
Nguyễn Hải Yến.
♥️ Người gửi: Bùi Thu Yến
♥️ Người nhận: Thảo Nguyên
♥️ Câu chuyện tham dự:
Thời điểm chuẩn bị kết thúc năm cũ và chuẩn bị chào đón năm mới là dịp khiến chúng ta bùi ngùi nhớ lại những kỉ niệm xưa cũ, tự nhiên em lại nhớ đến chị - người hàng xóm kính mến của em.
Nhớ lúc trước em mới dọn đến ở, hai chị em mình không thân thiết lắm nếu không nói là ghét nhau chị nhỉ hihi… Nhưng rồi ở lâu, dần dần hiểu nhau hơn rồi thân nhau lúc nào không biết. Có gì ngon cũng mang qua nhà cùng nhau ăn, có vui buồn gì chị em ta cũng cùng nhau chia sẻ. Rồi thời gian trôi đi, vì gia đình, làm ăn kinh tế nên nhà chị lại chuyển đi nơi khác cũng hơn 2 năm rồi.
Nhân dịp chuẩn bị chào đón năm mới em muốn tặng chị món quà sức khỏe. Mỗi món quà trao đi đều mang ý nghĩa kèm câu chúc riêng, nhưng có lẽ lời chúc sức khỏe cho cả năm là điều đáng quý nhất đúng không chị nhỉ. Món quà sức khỏe em nghĩ không cần cầu kỳ, có thể là sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, thể trạng người nhận, em nghĩ là món quà ý nghĩa nhất rồi.
Nay em muốn nhờ Star Kombucha gắn kết lại tình cảm của chị em mình hơn, thông qua món quà Sức Khỏe nhân dịp Tết này. Em chúc chị và gia đình thật nhiều sức khỏe, luôn vui vẻ và hạnh phúc chị nhé!
♥️ Người gửi: Nguyễn Hải Yến
♥️ Người nhận: Nguyễn Thành Dong
♥️ Câu chuyện tham dự:
Sài Gòn, ngày 10 tháng 12 năm 2020.
Gửi ông nội thương mến của tụi con,
Lâu rồi con không về An Viễn thăm ông bà, mà cũng có những lần con về không gặp được ông. Tính ra tụi con ít có cơ hội gặp ông ở nhà từ dạo đó, sốt Thiên Ngọc Minh Uy.
Con là một tay ông bà chăm từ nhỏ, đến khi chập chững vào lớp một thì bóng dáng của ông bà cũng nhạt phai dần theo từng ngày trôi qua. Con về học ở Trị An, ở cùng với bố mẹ nhiều hơn. Con là cháu đầu mà, được cả nhà thương và chăm hết mức, muốn ăn gì thì bà đều nấu cho, muốn đi đâu ông đều chiều hết. Con còn nhớ những buổi sáng đi học mầm non, ông đều mua cho con một hộp kẹo Kim Yến, hôm lại được viên ô mai, bữa là miếng singum có hình dán. Nhưng buổi nào bà tắm cho con mà thấy hình dán trên người đều giận con, bà sẽ yêu cầu con tự kì sạch đi rồi mới hết giận. Ông lúc nào cũng bênh con hết, cho nên con đều sấn tới ông mỗi lần bị bà giận. Cả ngày quấn bên ông bà không thôi. Tuổi thơ con có lẽ là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất, bình yên nhất và màu sắc nhất – mà con may mắn có được.
Hồi đó con hay theo ông đi chơi bida. Ông với những người bạn giao hữu với nhau và con luôn là ban giám khảo được ủy thác quyền ghi tỉ số (thật ra là lật tấm bảng ghi bàn thắng ở cạnh bàn bida). Rồi theo xem ông chơi cờ tướng. Ông mê cờ tướng và chơi cũng siêu cừ. Con luôn là khán giả trung thành và fan hâm mộ nhiệt huyết của ông. Bốn tuổi, ông chỉ con xếp cờ, chỉ con những nước đi đầu tiên. Nhưng tiếc là bây giờ con quên mất cách chơi rồi…
Suốt tuổi thơ của con, ông luôn là “xế”. Hai ông cháu mình đi trên nhiều con đường cùng nhau. Con cũng dày người theo chân ông bà đi bào mì, chặt mì, trồng mì, hái quýt,… Cây vườn nhà mình nhiều vô kể, cỏ cũng vô kể dày, ông bà cặm cụi cuốc nhổ, con cũng bắt chước làm theo. Bà têm trầu, con tựa vào ông mà xem. Bà nấu cơm thì hai ông cháu nhặt rau. Ông ngủ lúc nào cũng được, con với bà lúc nào nghe tiếng ngáy cũng quen. Ông bà trồng cây sanh trước nhà con, nhưng nó mang theo tuổi thơ con đi theo người mua cây mất rồi.
Lớn thêm, tụi con vào những ngày lễ thường theo bố mẹ lên An Viễn thăm ông bà. Những bữa trưa chạy qua xóm trọ mời ông về dùng cơm bắt đầu trở nên quen thuộc hơn. Ông có bạn giao hữu thân thiết, chơi cờ càng lên tay. Những quân cờ ở nhà ông bà đều được lót đế êm vì ông không muốn làm ồn giấc ngủ của bà. Ông chơi cờ xuyên trưa, lút tối. Rảnh có bạn là chơi, con nhiều khi ngồi coi mà quên phụ bà nấu cơm, mẹ lại rầy. Nhưng con vẫn thích xem ông chơi cờ nhất.
Năm nào nhỉ, Thiên Ngọc Minh Uy chen vào trong nhà mình. Nhiều người tham gia, ít nhiều đều dấn tài sản vào nó. Đến khi mọi chuyện vỡ ra, mọi người mới khóc, tiếc, hối hận, nợ chồng chất. Ông nội của con cũng bị dính vào vụ này. Mọi người trong nhà tỉnh ra, giãy khỏi cú lừa này và cắt đứt dây dưa với đa cấp. Chỉ còn ông.
Con biết ông không chỉ dính vào Thiên Ngọc Minh Uy, lửa Việt, ước mơ Việt và M5 đâu. Đến giờ ông vẫn chưa nguôi cơn mộng giàu dễ. Ông ít ở nhà hơn, ông ít đánh cờ hơn, ông ít nói chuyện với người nhà hơn. Ông rong ruổi đến đâu đó trên yên xe một mình. Ông bán đất để “làm vốn”. Rồi công ty này vỡ nợ, ông lại “quen đến” công ty khác đầu tư để “trả nợ”. Người ta cho ông bao danh hiệu hão huyền, đến tận nhà giăng tên dán tường. Đến khi họ có đủ cái cần rồi thì ôm đồ biến mất hết. Hình trên tường gỡ đi khiến đôi chỗ trong nhà có màu nham nhở. Lúc mới biết ông, họ đều ngọt ngào chu đáo lễ phép, khi quá quen rồi thì mới lộ bản mặt ra. Rồi cuốn xéo đi với cuộc sống giàu có trên tài sản của người khác. Con chưa đủ va chạm với cuộc sống này để hiểu rõ bản chất khác của thế giới, nên con không tham gia bàn luận những chuyện về tiền bạc với cả nhà, nhưng con biết những điều cơ bản nhất trong cuộc trò chuyện. Vỡ nợ. Tiếp tục “đầu tư”. Tiếp tục bán bớt đất.
Con được đi ngang qua rất nhiều mảnh đất từng là của ông. Ông mà giữ chúng thì bây giờ trở thành chủ bao la đất rồi. Ngày trước bỏ công khai hoang như thế, bán đi nhiều, nhưng giàu vẫn là giấc mộng xa.
Con không thích ông như bây giờ. Ông vẫn thương tụi con nhiều, nhưng không như trước đây nữa rồi. Vốn dĩ ông bà đã an nhàn bên con cháu nhưng ông không chịu dừng lại việc dấn vào đa cấp và những lời đường mật bẫy rập của thiên hạ lôi kéo. Ông không còn khoẻ như hồi con còn nhỏ nữa. Tóc ông bạc cũng rất nhiều. Ông phải mang kính để đọc tin tức và xem điện thoại. Ông cũng bệnh nhiều hơn ngày trước. Nhưng ông vẫn đi, vết xe cũ càng qua càng lún sâu. Con nhớ những trưa trắng giấc xem ông đánh cờ. Con nhớ những tiếng ngáy quen thuộc trong nhà. Con nhớ những búi cỏ chất đống ngoài vườn do ông dọn. Con nhớ hộp kẹo Kim Yến và miếng singum có hình dán. Con nhớ những ngày học mầm non. Con nhớ hàng tá chuyện hồi nhỏ con huyên thuyên bên tai ông cả ngày không dứt.
Lớn rồi, có thật nhiều thứ trở nên xa lạ.
Tụi con ít gặp ông hơn, tụi con và ông cũng ít nói chuyện hơn rất nhiều. Ông nội luôn là người vui vẻ, tiếng cười của ông là niềm vui của con. Nhưng ông cũng ít cười trong nhà hơn rồi.
Ông nội của tụi con không nghiện rượu, chỉ là ông cảm thấy bữa cơm ngon hơn khi có một ly nhỏ. Cả nhà đều biết ông thích bát ăn cơm như thế nào, biết ông chơi cờ giỏi ra sao, biết thói quen khi ngủ của ông,… biết cả kết cục của những công ty ông đầu tư. Nhưng ông thì không chịu ngừng dính vào nó. Ông tin lời mật ngọt thay vì lời cả nhà khuyên. Ông giận cả nhà, rồi ông mắng…
Những buổi họp gia đình chỉ có người lớn, tụi con không theo về. Con không biết sự nóng giận của ông lớn tới nào, nhưng chắc chắn điều đó thật tệ. Con không thích ông như lúc này.
Ông nội, năm nay con trở thành sinh viên năm nhất rồi. Ông vẫn luôn nghĩ con còn nhỏ, mãi học cấp một, cấp hai. Ông từng nói với con rằng khi con 18 tuổi sẽ dẫn con đi thi bằng lái ô tô. Con nghĩ ông đã quên thật nhiều những lời ông từng nói với tụi con. Những lần gần đây ông về Trị An đều xắn diện tích đất nhà mình thêm ít đi. Ông đến rồi đi, nhanh. Tụi con thậm chí còn không biết ông đến nhà.
Con chỉ muốn ông dừng.
Và sống với cả nhà mình thật vui vẻ.
Nợ nần đó đời bố mẹ tụi con giúp ông trả không kịp, đời tụi con nhất định thanh toán xong toàn bộ.
Ông nội, cả nhà đều mong ông bà sống thật mạnh khoẻ và vui vẻ, sáng sáng như thói quen đi tập thể dục, ban chiều kéo dây tưới mấy chậu cây trước sân nhà. Lâu lâu ông bà đưa nhau về Trị An, hái quả nhổ cỏ với cả nhà, thế là mãn nguyện rồi.
Ông nội, đứa cháu đầu này luôn cố gắng học thật tốt, sống cũng thật tốt, làm gương cho các em noi theo. Vẫn chưa có em nào ngang với cháu cả, và cháu vẫn sẽ tiếp tục tốt hơn. Cháu tuy không phải con trai, nhưng nhất định khiến cả nhà mình tự hào. Ông nội thương con từ nhỏ, hẳn một ngày đẹp trời thấy cháu mình thành đạt sẽ rất ngỡ ngàng và vui mừng, đúng không ông?
Con còn muốn được chơi cờ cùng ông, làm vườn cùng ông, lâu lâu lại có thể cùng bà khúc khích cười với tiếng ngáy của ông.
Ông ơi, tụi con đều rất thương ông bà và càng nhớ ông của những ngày trước kia. Ước gì ông có thể hiểu tâm tư của đại gia đình mình. Ước gì ông nghe thấy tiếng lòng của tụi con. Ước gì ông không bị những sự ràng buộc và cám dỗ của thế gian này vây lấy nữa. Ông trở lại làm ông của tụi con, như ngày trước. Để kí ức của cả nhà và tuổi thơ của các em là những phút giây ấm áp, đoàn tụ và thật hạnh phúc.
Ông nội, tụi con nhớ ông lắm.
Ông nội, tụi con lại thương ông nhiều hơn.
Con chúc ông bà luôn mạnh khỏe, vui vẻ, sống an nhàn tự tại với cả nhà mình.
Cháu gái đầu của ông bà,
Nguyễn Hải Yến
♥️ Người gửi: Vũ Bạch Yến
♥️ Người nhận: Nguyễn Thị Thu Hiền
♥️ Câu chuyện tham dự:
Tôi là một cô bé có kiến thức trung bình, vừa đủ để nuôi sống bản thân. Tôi không thông minh cho lắm! Nhưng được cái thật thà, nhanh nhẹn và nhiệt tình trong công việc. Cũng chính vì thế mà khi đi làm tôi luôn được các bạn đồng nghiệp yêu mến và chỉ dạy cho tôi rất nhiệt tình. Vốn nghe tiếng khi làm công ty may họ rất dữ, chị em đấu đá nhau, cãi vã to tiếng và có khi chơi xỏ nhau, hạ thấp người khác để mình được leo lên bục cao hơn. Tôi mới lớ ngớ ra trường với những người bạn thân thiết luôn giúp đỡ và cùng tiến trong học tập nên nghe người ta kể đi làm áp lực như thế tôi rất lo lắng. Đối với tôi môi trường trên giảng đường và môi trường trong công ty hoàn toàn xa lạ. Tôi luôn tự hỏi mình chậm hiểu như thế thì không biết đi làm có được không? Có biết làm gì không? Công việc ra sao? Có ai giúp đỡ mình không??? Bao nhiêu câu hỏi cứ trào ra. Trong lúc đang bối rối thì có tiếng chào tôi và mời tôi ngồi. Đó là ông sếp mà sau này phỏng vấn xong tôi ngồi chung phòng với ổng. Sếp tôi là người Trung Quốc, ông biết tiếng Việt, nghe hiểu nhưng nói thì không ai hiểu nên luôn có phiên dịch đi theo. Sau khi xem hồ sơ và hỏi vài câu thì được sếp nhận vào làm đầu tuần. Tôi vui lắm, về kể với mẹ và mẹ ra chợ mua ngay cho tôi mấy cái áo sơ mi với quần tây. Ngày đầu đi làm tôi háo hức lắm vì được sếp giới thiệu với mọi người và tôi cũng chào hỏi từng người và mong mọi người giúp đỡ. Cảm giác ngày đầu đi làm rất vui và hăng hái học hỏi. Ban đầu nhìn sếp rất nghiêm. Cả ngày không cười, trong phòng cũng không thấy chị nào dám hó hé nói chuyện một câu. Tôi thấy ngột ngạt vì không khí quá nặng nề. Chỉ khi sếp đi ra ngoài một chút là mấy chị em trong phòng được giải phóng, như ong vỡ tổ cười nói râm ran. Sau khi nghe các chị kể tôi mới hiểu sếp là một người rất nghiêm trong công việc, phải thật yên tĩnh làm việc. Và khi nào muốn hỏi gì phải chờ sếp ra ngoài mới dám hỏi chị em trong phòng. Chị nào cũng giúp đỡ tận tình và dặn dò tôi đem cơm theo, đem ly theo uống nước. Ngày đầu đi làm không biết tôi chẳng đem gì nên ra ngoài ăn cơm một mình, ly nước không đem nên chờ giải lao tôi mới đi mua nước uống. Sau này tôi đều đặn đem cơm nhà theo ăn với mọi người. Ai có đồ ăn gì đem ra hết, giống như tiệc buffet nhỏ vậy, rất vui.
Chỉ có giờ giải lao một tiếng ăn trưa là tôi thấy vui và thoải mái nhất. Còn công việc tôi ghét sếp tôi từng ngày. Sáng nào 8 giờ cũng gọi tôi lên "chào cờ" (nghe ổng thuyết giảng) hàng giờ liền, đứng rã cả chân. Phiên dịch cũng mệt mỏi theo tôi, tôi làm gì sếp cũng không hài lòng. Ngày nào cũng la tôi làm thế này không đúng, làm thế kia không đúng..v.v.. đến nỗi tôi bị stress nặng khi về nhà, đến cả ngủ còn bị ám ảnh. Gương mặt của sếp tôi luôn hiện trong giấc mơ kinh hoàng của tôi. Tôi bị áp lực kinh khủng đến nỗi mấy lần xin nghỉ việc mà chị em trong phòng níu giữ tôi lại, phân tích cho tôi hiểu và giúp tôi làm bớt công việc bị tồn đọng. Tôi cảm kích vô cùng nhưng cứ nghĩ đến cảnh sáng nào cũng bị gọi lên la tôi thấy run rẩy. Chị em động viên tôi rất nhiều song tôi vì quá áp lực sanh bệnh. Mọi người hẹn nhau đến nhà thăm tôi và kể những câu chuyện cười giúp tôi bớt căng thẳng. Chị lớn trong phòng cẩn thận đưa cho tôi một thố cà mên cháo yến do sếp dặn vợ nấu cho tôi ăn. Chị ấy kể rằng khi em nghỉ bệnh sếp luôn hỏi thăm sức khoẻ của tôi, hỏi chị em khi nào đến thăm thì cho sếp gửi quà là thố cháo và giỏ trái cây. Tôi lúc ấy rất cảm động và tự dưng không còn ghét sếp mình nữa.
Rồi tôi cũng đi làm và sếp gọi tôi. Lần này không phải la mắng gì mà là tâm sự với tôi. Nghĩ lại câu chuyện sếp kể cũng thấy đồng cảm, nhà sếp nghèo, hai bàn tay sếp có tật nên đôi tay không được khoẻ mạnh và nhỏ như bàn tay của đứa con nít, nhưng ông có cái đầu lạnh và rất thông minh, làm việc cực giỏi nhưng đòi hỏi sự hoàn hảo. Chính vì thế mà sếp tôi mới khó khăn đối với tôi để tôi trở thành người giỏi hơn mỗi ngày, và tương lai sếp muốn tôi phải thăng cấp bậc chứ không phải cứ ngồi yên một chỗ an nhàn. Hiểu được tấm lòng của ông tôi đã rất cảm kích và xúc động. Tôi đã làm việc trở lại với tinh thần phấn chấn và hăng say hơn. Và làm được 6 năm thì tôi quyết định ra đi.
Ngày cuối cùng tôi làm việc trong công ty cũng là ngày tôi nhớ nhất. Tôi đã chào tạm biệt sếp, ông đã rất chân thành khi nói về tôi và giọng ông run run xúc động, nói xong kiềm chế không được ông đã bỏ ra ngoài. Còn tôi đưa quyển sổ cho chị em ghi vài dòng vào đó! Đến giờ này tôi vẫn còn giữ. Chị em chào tạm biệt nhau mà nước mắt ngắn dài cứ tuôn trào. Chỉ là đồng nghiệp thôi nhưng gắn bó với nhau 6 năm trời, cùng ăn, cùng ngủ, cùng vui cười kể những câu chuyện thường ngày. Ở với nhau 8 tiếng mỗi ngày còn lâu hơn ở với ba mẹ. Bao nhiêu buồn vui cùng trải qua, giận có, buồn vui có... chị em thân thiết như một nhà. Không như những gì người ta nói lúc ban đầu và... cuộc sống này hãy biết trân trọng những khoảnh khắc, những giây phút vui buồn có nhau để cuộc sống trở nên thú vị và có ích hơn. Hãy tốt với mọi người thì mọi người sẽ yêu thương bạn. Vì "sống để yêu thương".
Nhớ mọi người rất nhiều.
Chúc tất cả mọi người sắp tới có một cái Tết an lành và bình an nhé!
♥️ Người gửi: Phạm Thị Anh Thư
♥️ Người nhận: Nguyễn Thị Hồ
♥️ Câu chuyện tham dự:
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, giờ em đã làm vợ, làm mẹ.
Em vẫn nhớ thời học sinh cắp sách đến trường. Dù rằng thời học sinh với em vô cùng ngắn ngủi.
Em phải nghĩ học năm mười lăm tuổi. Lúc ấy, em đang học lớp 9. Ước mơ, hoài bão đều dừng lại vì căn bệnh tái phát quá nhiều. Em - một cô bé bị bệnh tim từ nhỏ, ngất xỉu và khó thở là chuyện thường với em. Các bạn lấy làm quen với cảnh em ngất khi đang học.
Ngày định mệnh cuộc đời là lúc bác sĩ đưa ra giấy tạm nghỉ học để điều trị. Em đã khóc rất nhiều. Cô và các bạn an ủi và mong em cố gắng vượt qua. Nhưng trong em là sự mặc cảm và tự ti bản thân. Đã tám năm liền em cố gắng học, tám năm liền là học sinh giỏi. Ước mơ giáo viên dạy văn luôn cháy trong em. Em phải từ bỏ, từ bỏ mọi thứ. Em nghỉ học. Hàng ngày cô vẫn đến nhà an ủi nhưng em tránh mặt cô vì mặc cảm, hay vì xấu hổ, em cũng chẳng biết mình lúc đó nghĩ gì nữa. Em biết cô buồn em nhiều lắm.
Một thời gian sau. Em lên thành phố sống cùng chị gái. Vậy mà cũng hơn mười năm em sống nơi thị thành. Em về thăm nhà thường xuyên. Nhưng không bao giờ em đặt chân đến trường. Và cô, em cũng không nhìn dù gặp qua đường.
Năm 2017, em kết hôn. Người làm thay đổi suy nghĩ của em. Anh xã đã giúp em bỏ sự tự ti và mặc cảm bản thân. Em yêu mình hơn và cuộc sống trở nên tươi đẹp.
Em quyết định mở Facebook và tìm cô cùng các bạn ngày xưa.
Thật bất ngờ, cô và các bạn vẫn nhớ em. Thư Xỉu ngày nào cô vẫn nhớ tên. Em hạnh phúc vô cùng. Nhưng trong em cảm thấy có lỗi và muốn xin lỗi cô vì sự trốn tránh, sự vô ơn với cô.
Được biết sức khỏe cô không được tốt, vì là giáo viên nên cô ăn uống không điều độ, tiếp xúc nhiều bụi phấn nên ảnh hưởng đến sức khỏe. Em đã tin tưởng và chọn Star Kombucha làm quà tặng cô. Star Kombucha vừa tốt cho đường ruột, hệ tiêu hóa, vừa giúp trẻ hóa làn da nữa. Quả là một sản phẩm chất lượng.
Gặp nhau, hai cô trò mừng khôn xiết. Và cô rất thích món quà của em. Em lấy làm hạnh phúc lắm.
Em mong cô luôn vui tươi, có thật nhiều sức khỏe để em luôn được nhìn cô đứng trên bục giảng, ngày ngày giảng dạy các em học sinh đến bến bờ tri thức.
Ước mơ của em - cô đã thực hiện thay em. Cảm ơn cô vì tất cả. Cảm ơn Star Kombucha đã đồng hành cùng cô. Đồng hành cùng ước mơ của em.